DMagazine

Một năm chống "giặc" Covid-19 và những kỳ tích "made in Việt Nam"

(Dân trí) - Tròn 1 năm kể từ khi dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam. Nhìn lại những dấu ấn nổi bật của cuộc chiến chống "giặc" chưa từng có tiền lệ này, mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào...

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 1
Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 2

Cách thời điểm hiện tại tròn 1 năm, 23/1/2020 (ngày 29 Tết Canh Tí), Việt Nam chính thức đối mặt với đại dịch Covid-19, khi ông Li Ding và con trai được Bộ Y tế công bố là 2 trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Hai bệnh nhân là người Trung Quốc. Trong đó, người cha từ tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, có bệnh nền rất nặng.

Trên thực tế, cuộc chiến với đại dịch đã được Việt Nam chuẩn bị ngay từ khi những ca bệnh viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc (sau này là tâm dịch Covid-19) được báo cáo. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, các bác sĩ của Việt Nam đã quan sát và nghiên cứu thông tin về những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp giống SARS, MERS, khi bệnh chưa vào Việt Nam.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 3

Bên cạnh việc liên tục cập nhật thông tin bệnh học về Covid-19, siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu, ngày 20/1, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh theo nhiều cấp độ.

Việc có ca bệnh vào Việt Nam là điều đáng tiếc nhưng đã được dự đoán từ trước, khi dòng người từ tâm dịch liên tục đổ về dịp Tết Nguyên Đán. Chỉ 7 ngày sau khi phát hiện 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên, nước ta bắt đầu ghi nhận liên tiếp các trường hợp dương tính khác...

Ngày hai cha con ông Li Ding được ra viện có lẽ là một trong những ngày vui nhất trong cuộc đời mặc áo blouse trắng của các y bác sĩ trong BV Chợ Rẫy, TPHCM.

"Gia đình tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ và sự nhân đạo của Chính phủ Việt Nam khi tận tình cứu chữa, giúp chúng tôi có ngày đoàn tụ. Bản thân tôi đã rất may mắn khi được phát hiện bệnh, điều trị tại Việt Nam", bệnh nhân Li Ding chia sẻ trong những giọt nước mắt hạnh phúc.

Trong khoảnh khắc nhận giấy ra viện, ông Li Ding xúc động: "Khi đến bệnh viện Chợ Rẫy, tôi đã kiệt sức, không thể tự đi lại được. Tôi đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất có thể xảy ra ở nơi cách rất xa quê nhà. Tôi hoang mang tột độ khi được bác sĩ thông báo nhiễm virus corona, căn bệnh đang bùng phát dữ dội tại thành phố tôi sinh sống. Khi biết con trai đã bị chính mình gây nhiễm cho căn bệnh nguy hiểm, tôi gần như suy sụp… mọi thứ như sụp đổ trước mặt tôi".

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 4

2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên chiến thắng bệnh tật, đó không chỉ là niềm vui của người bệnh, mà còn của các bác sĩ điều trị. "Chúng tôi còn được giải phóng khỏi những áp lực mình đã phải đối mặt". BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt Đới, BV Chợ Rẫy chia sẻ với Dân trí.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 5

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020 sẽ là khoảng thời gian in đậm trong trí nhớ, tâm khảm của người dân xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, khi lần đầu tiên những người dân hiền lành trong xã biết thế nào là cách ly hoàn toàn với xã hội bên ngoài.

Tỉnh Vĩnh Phúc trở thành tâm dịch lớn nhất lúc bấy giờ khi có đến 11 bệnh nhân Covid-19 (chiếm gần 70% tổng số bệnh nhân được ghi nhận trong giai đoạn 1 của dịch tại nước ta). Các ca bệnh đều liên quan đến đoàn 8 người Việt được cùng một công ty, được cử sang Vũ Hán tập huấn.

Xã Sơn Lôi, với hơn 11.000 nhân khẩu, cũng nơi bùng phát dịch nặng nhất, trải qua 21 ngày cách ly y tế "nội bất xuất, ngoại bất nhập", từ 12/2 tới hết 3/3.

Trao đổi với PV Dân trí, BS Nguyễn Trung Cấp cũng là một trong những "blouse trắng" tham gia chống dịch trong những ngày đầu tiên nhận định, thời điểm này, lực lượng tuyến đầu phải đối mặt với 3 thử thách lớn:

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 6

Thứ nhất, Covid-19 là một bệnh lý mới, trên thế giới vẫn chưa có nhiều hiểu biết về dịch bệnh này, chỉ có một chút kinh nghiệm, bài học thực tế từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát dịch.

Thứ hai, khó khăn trong tiếp cận các tài liệu khoa học về dịch bệnh này. Bởi vì, các báo cáo, nghiên cứu chủ yếu đến từ Trung Quốc, và việc đọc những tài liệu này đương nhiên sẽ phức tạp hơn so với tài liệu tiếng Anh.

Thứ ba, quan điểm và chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 đều dựa trên kinh nghiệm sẵn có của một số bệnh tương tự như SARS, MERS. Do đó, khi áp vào các bệnh nhân Covid-19 không phải lúc nào cũng đúng.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 7

Đối mặt với dịch bệnh "lạ", Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch được phát triển dựa trên kinh nghiệm và tình hình thực tế của nước ta.

Điển hình là chiến lược "Bốn tại chỗ": Điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ (khác với chiến lược "Bốn tập trung" của Trung Quốc). Chỉ những bệnh nhân nặng mới cần chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, nơi có khả năng can thiệp tốt hơn.

Một trong những kinh nghiệm sống còn mà chúng ta học được từ dịch SARS là việc không sử dụng khu cách ly đóng kín, mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy, việc cách ly và điều trị, chúng ta có thể đưa về địa phương, mà vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 8

Nhờ chiến lược hợp lý, quan trọng nhất là kiểm soát tốt người nhập cảnh, cũng như truy vết nhanh các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, số bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn 1 chỉ dừng lại ở con số 16. Ngày 26/2, bệnh nhân Covid-19 thứ 16 được xuất viện, khép lại giai đoạn 1 của cuộc chiến chống dịch tại Việt Nam sau 35 ngày.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 9

22h30 ngày 6/3, Cuộc họp khẩn của UBND thành phố Hà Nội về ca Covid-19 mới được ghi nhận trên địa bàn đã báo hiệu một đêm "mất ngủ" của người dân Thủ đô.

BN17 là nữ, 26 tuổi, đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý, Pháp du lịch và trở về Hà Nội 4h30 ngày 2/3 trên chuyến bay VN0054. Đáng chú ý, khi nhập cảnh, bệnh nhân không trung thực khi khai báo lịch trình di chuyển qua vùng dịch của mình nên "lọt kiểm soát".

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 10

Không chỉ kiểm soát lây lan dịch bệnh trong nước, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh từ bên ngoài lãnh thổ cũng là một thử thách đặc biệt khó khăn. Bởi lúc này, Covid-19 không đã lan ra hơn 100 nước. Châu Âu, châu Mỹ trở thành những tâm dịch mới.
Tại cuộc họp sáng 8/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế, Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, đang âm thầm mai phục. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống trong đánh ra, ngoài đánh vào".

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 11

0 giờ ngày 1/4, lần đầu tiên việc giãn cách xã hội được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, theo Chỉ thị Số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

"Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh", Chỉ thị chỉ rõ.

Làn sóng thứ hai của dịch mạnh hơn, dồn dập hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 12

Chỉ trong chưa đầy 5 tháng (6/3 - 25/7) nước ta ghi nhận 401 ca mắc mới Covid-19, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng,
Không chỉ gia tăng về số lượng, trong đợt dịch lần này, Việt Nam cũng đã ghi nhận các bệnh nhân Covid-19 đặc biệt nặng.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 13

"Thay đổi để hoàn thiện", đó là cách lực lượng y tế vượt "sóng dữ" Covid-19. Xuyên suốt giai đoạn này, đã có nhiều quyết định thay đổi mang tính bước ngoặt được đưa ra.

Đáng chú ý, trong công tác điều trị, phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 dần được chuẩn hóa, dựa trên kinh nghiệm mà các thầy thuốc tuyến đầu đã đúc rút được trong giai đoạn 1 của dịch, không còn hoàn toàn áp theo kiến thức của dịch bệnh cũ như SARS, MERS.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 14

Kỳ tích cứu sống những bệnh nhân đã cận kề cửa tử, điển hình như: phi công người Scotland (BN91), từng đông đặc gần như toàn bộ phổi và bác gái của BN17 (BN19) từng 3 lần bị ngừng tim trong đêm là những minh chứng rõ rệt nhất cho hiệu quả điều trị Covid-19 của nền y học Việt Nam.

Sau 42 ngày tổng lực chống dịch trên mọi mặt trận, Việt Nam bước vào chuỗi ngày không còn ghi nhận ca Covid-19 trong cộng đồng, dịch cơ bản được khống chế. Người dân Việt Nam bắt đầu cuộc sống "bình thường mới", thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 15

Ngày 25/7, ca bệnh được ghi nhận tại Đà Nẵng (BN416) đã chấm dứt giai đoạn "yên bình" mà chúng ta đã duy trì được trong suốt 99 ngày. Trong lần trở lại thứ ba, giặc Covid-19 tấn công trực tiếp vào điểm xung yếu nhất: Bệnh viện.

Khởi đầu với Bệnh viện C và sau đó là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình trở thành mục tiêu của Covid-19 và phải tiến hành phong tỏa.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 16

Việc cả 4 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng bị phong tỏa ngay khi vừa "lâm trận", được Bộ Y tế nhận định là một bài học lớn cho công tác chống dịch Covid-19.

Hệ quả của việc giặc Covid-19 tấn công trực tiếp vào bệnh viện được thấy rõ ngay, đó là những khó khăn trong công tác điều trị, khi một số lượng không nhỏ các nhân viên y tế bị cách ly và thậm chí là có trường hợp trở thành bệnh nhân của dịch bệnh. Covid -19 tấn công trực tiếp vào khoa hồi tích cực, thận nhân tạo, ung bướu, vốn là nơi có những bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất cũng là một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt.

Ngày 31/7, tức là chỉ 1 tuần sau khi làn sóng mới của dịch bắt đầu, nước ta đã ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên tử vong, đó là một người đàn ông 70 tuổi, bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng.

Số ca tử vong đã liên tục tăng lên trong những tuần tiếp theo, hầu hết đều là bệnh nhân Covid-19 có kèm theo bệnh nền rất nặng. Đây cũng là điều được giới chuyên môn dự đoán trước.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 17

Trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước, từ 0h ngày 28/7, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành cách ly toàn xã hội. Tuy nhiên, Đà Nẵng không hề đơn độc trong cuộc chiến với giặc Covid-19.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi dịch bùng phát, nhiều "đội quân áo trắng" từ các địa phương trên cả nước đã tức tốc chi viện cho tâm dịch. Những đoàn xe thiện nguyện nối hàng hướng về Đà Nẵng khiến cho bất cứ người Việt nào cũng thấy lòng thêm ấm áp, cay khóe mắt cảm động trước nghĩa đồng bào.

Đêm 30/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập "Bộ chỉ huy tiền phương". Đây là bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, được đặt dưới sự chỉ huy của thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Với chiến lược mũi nhọn "làm sạch bệnh viện", nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị; thần tốc truy vết, khoanh vùng các ổ dịch, sau gần 1 tháng, dịch Covid-19 ở Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát. Từ ngày 28/8, thành phố Đà Nẵng, từng có hơn 60 "điểm nóng" có dịch, đã không còn ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 18
Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 19
Một năm chống giặc Covid-19 và những kỳ tích made in Việt Nam - 20

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kiên cường vượt qua 3 cơn sóng lớn của Covid-19. Trong cuộc chạy đua tìm "lời giải" cho đại dịch, chúng ta cũng đón nhận tin vui, khi ngày 17/12/2020, vắc xin Covid-19 "made in Vietnam" đã bắt đầu được thử nghiệm trên người.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp thì cuộc chiến, đương nhiên, vẫn chưa hề khép lại.

Sự xuất hiện của những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, những ca nhập cảnh chui tại TPHCM trong thời gian vừa qua, chính là hồi chuông cảnh báo cho mỗi người dân không được chủ quan, lơ là với loại virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người trên khắp thế giới này.

 Trong cuộc chiến này, hãy luôn ghi nhớ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Bài viết : Minh Nhật - Bảo Trung

Thiết kế: Khương Hiền