1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một kiểu hẹn kỳ quặc ở bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai đông nghịt người vì bệnh nhân tồn đọng sau những ngày nghỉ lễ dài. Ông Trần Văn Tòn, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa năm nay đã ngót 70 tuổi đang cùng bà vợ ngơ ngác tìm phòng bệnh trên sảnh tầng 5, khu nhà Việt-Nhật. Ông Tòn bị viêm đại tràng mãn tính dạng co thắt, chữa bệnh gian nan vô cùng và mỗi lần lên cơn đau thì như chết đi sống lại.

Với chứng bệnh của ông, lần nào khám các bác sĩ cũng đều chỉ định nội soi cho ông. Trình tự việc này như sau: Sau khi chờ đợi được khám, ông Tòn mất một ngày để làm các loại xét nghiệm máu, siêu âm, điện tim đồ… Có đủ các kết quả này, sau cả ngày nữa rửa ruột, ông mới được nội soi. Sau nội soi, ông được chỉ định sinh thiết đại tràng. Khi có kết quả sinh thiết đại tràng thì ông mới được bác sĩ kê đơn thuốc. Quá trình khám bệnh mất 3 ngày và chờ đợi kết quả sinh thiết thêm một tuần nữa, tổng cộng là 10 ngày.
 

Quá trình này tuy dài nhưng là đúng quy trình và quy định về chuyên môn.

 

Tất cả đều không có gì đáng nói nếu như không có chuyện nhập nhèm trên tờ giấy hẹn đến lấy kết quả sinh thiết của ông Tòn và rất nhiều bệnh nhân khác. Trên bản kết quả nội soi của ông Tòn có ghi rõ: Hẹn lấy kết quả sinh thiết sau một tuần. Bên dưới ghi rõ ngày làm nội soi là 29/4/2014. Như vậy, đúng một tuần sau, nghĩa là ngày 6/5/2014 thì ông Tòn có thể đến lấy được kết quả này.

 

Kết quả nội soi đồng thời là giấy hẹn lấy kết quả sinh thiết của ông Tòn

Kết quả nội soi đồng thời là giấy hẹn lấy kết quả sinh thiết của ông Tòn

 

Ông Tòn quê tít tận Thanh Hóa, sau khi ở nhà trọ vài ngày, hai vợ chồng già quyết định khăn gói về quê. Sáng 6/5, hai vợ chồng ông dậy từ 3 giờ sáng, bắt xe đò ra Hà Nội cho kịp đầu giờ sáng, tính là tranh thủ càng sớm càng tốt để chiều kịp về Thanh Hóa luôn, đỡ phải mất một đêm vạ vật ở Hà Nội.

 

Ông Tòn hăm hở chen lấn, nhiệt tình hỏi han và đưa phiếu hẹn cho một cô y tá trẻ. Cô y tá này trông thấy ông Tòn liền tròn mắt ngạc nhiên và nói một câu gọn lỏn: “Bác bị làm sao thế, phiếu ghi rõ là lấy kết quả sinh thiết sau một tuần, nghĩa là một tuần làm việc. Vừa rồi chúng cháu được nghỉ lễ 3 ngày, bác phải tự trừ đi 3 ngày chứ. Ba ngày sau mời bác quay lại đây nhé”.

 

Lại 3 ngày nữa, ông Tòn ở Thanh Hóa, xa không hẳn xa, gần không hẳn gần. Về Thanh Hóa cũng dở mà ở lại Hà Nội vật vờ chờ đợi cũng dở. Hai vợ chồng già dậy từ 3 giờ sáng, ra Hà Nội và chỉ được nghe mỗi một câu nói ngắn gọn này. Ông Tòn chẳng hiểu căng thẳng thế nào, cơn co thắt đại tràng lại bắt đầu hành hạ ông. Bà vợ ông trông héo hắt, đỡ chồng thất thểu ra bến xe.

 

Buổi sáng hôm ấy, tôi cũng có mặt tại bệnh viện và chứng kiến rất nhiều trường hợp như của ông Tòn. Họ đa phần đều ở ngoại tỉnh theo y hẹn mà bắt xe khách tìm về đây. Rõ ràng, lời nhắn: Đến lấy kết quả sau một tuần như thể một cái bẫy làm mất công mất sức của không biết bao nhiêu bệnh nhân vốn đã chẳng khỏe mạnh và giàu có gì.

 

Giá mà trong sau cái câu nhắn kia, người ta chịu khó điền thêm ngày tháng hẹn bệnh nhân rõ ràng, hoặc thêm cụm từ “ngày làm việc” vào sau nó thì ông Tòn và nhiều người khác không dính bẫy không. Bệnh viện tốn thêm chút công, chút mực in và những bệnh nhân nghèo không tốn thêm một cuộc hành trình chữa bệnh gian nan, khổ sở.

 

Theo Vũ Hải Hậu

Petrotimes