1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội:

Một gia đình bị bệnh tả sau khi ăn thịt chó

(Dân trí) - Chiều 7/7, Cục Y tế dự phòng, thông báo bệnh tả đồng loạt xuất hiện tại nhiều địa phương. Đặc biệt trong 5 ca tả ghi nhận tại Hà Nội mới đây thì có tới 4 người trong cùng một gia đình bị đi ngoài ồ ạt sau ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống.

Một gia đình bị bệnh tả sau khi ăn thịt chó - 1
Thịt chó ăn kèm rau sống, mắm tôm là một nguy cơ lây nhiễm phẩy khuẩn tả cao trong thời điểm nắng nóng như hiện nay (Ảnh: H.Hải)

Theo kết quả giám sát riêng trong ngày 5/7/2010, tại Hà Nội đã xác nhận 5 trường hợp tiêu chảy cấp có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả tại quận Đống Đa (4 trường hợp) và Hoàng Mai. Điều tra yếu tố dịch tễ liên quan cho thấy cả 4 bệnh nhân ở quận Đống Đa có cùng địa chỉ và đều có ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống và 01 trường hợp không rõ thực phẩm liên quan.

Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ ngày 13/6 đến nay, Hà Nội ghi nhận 144 ca mắc tiêu chảy cấp liên quan đến phẩy khuẩn tả. Qua điều tra nguyên nhân thấy phần lớn do bệnh nhân ăn thịt chó kèm rau sống, mắm tôm bị ô nhiễm (chiếm 60,5%), 6% do ăn bún ốc, 30% không rõ nguyên nhân và 9% do các nguyên nhân khác.

Tại Thanh Hóa cũng ghi nhận bệnh nhân tả đầu tiên tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ngày 02/7/2010 bệnh nhân xuất hiện đi ngoài liên tục, phân toàn nước, màu trắng đục nhưng sau một ngày mới đến khám và nhập bệnh viện huyện Thọ Xuân trong tình trạng mất nước độ 3, tại đây bệnh nhân được điều trị bù nước, điện giải và kháng sinh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khẳng định phẩy khuẩn tả. Đây là bệnh nhân tả đầu tiên tại Thanh Hóa trong năm 2010

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, riêng trong ngày 2/7/2010 cũng ghi nhận 02 trường hợp tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại quận 7 và quận Tân Bình. Cùng ngày này, tại tỉnh Bạch Liêu cũng xác nhận 2 bệnh nhi trú tại ấp Lung Chim, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bị tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả và đang được điều trị tại bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau.

Trước tình hình dịch tả đang “nóng” trở lại trong những ngày hè nắng nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống bệnh tả. Yêu cầu các địa phương có dịch cần xử lý ổ dịch triệt để; Giám sát chặt chẽ các trường hợp tiêu chảy cấp, điều tra thực phẩm và nguồn nước liên quan, không để lan rộng ra cộng đồng.

Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi, không uống nước lã. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc; không sử dụng nước ao, sông, kênh/rạch... nghi ngờ nhiễm bẩn để phục vụ cho sinh hoạt; Không đổ chất thải, nước giặt/rửa đồ dùng của người mắc bệnh tiêu chảy xuống ao, hồ, sông, giếng... và các nguồn nước công cộng khác... để phòng lây nhiễm dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm