1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lào Cai:

Một bé trai tử vong vì ăn phải quả hồng trâu rừng

(Dân trí) - Em Giàng Cồ Ph. ( sinh năm 2010) trú tại thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cùng các bạn lên rừng nhặt củi đã hái ăn quả hồng trâu - loại quả rừng có màu sắc hình dáng giống quả nho để ăn chơi.

 

Một bé trai tử vong vì ăn phải quả hồng trâu rừng - 1
​Cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương chăm sóc các cháu ở thôn Séo Tủng bị ngộ độc do ăn quả hồng trâu. Ảnh báo Lào Cai

Theo thông tin từ các cơ quan huyện Mường Khương ( tỉnh Lào Cai), chiều ngày 23/8, một nhóm 5 em nhỏ gồm các em: Giàng Thị Ch. ( sinh năm 2005), Giàng Thị H. ( sinh năm 2007), Giàng Cồ T. ( sinh năm 2010), Giàng Thị C.( sinh năm 2010) và Giàng Cố Ph. ( sinh năm 2010), đều cư trú ở thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương ( tỉnh Lào Cai) kéo nhau lên rừng nhặt củi và hái một loại quả của cây rừng có hình dáng, màu sắc nâu tím giống như quả nho để ăn chơi.

Sáng ngày hôm sau ( 24/8) tất cả 5 em đều có dấu hiệu bị ngộ độc như người mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đi ngoài... Riêng cháu Giàng Cồ Ph. do bị ngộ độc cấp nên đã bị tử vong tại nhà , còn 4 cháu khác đã được đưa ngay vào bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương cấp cứu.

Do được giải độc cấp cứu kịp thời nên cả bốn cháu vượt qua cơn nguy kịch do ngộ độc cấp, riêng cháu Giàng Thị C. hồi phục nhanh nên ngày hôm sau đã được xuất viện về nhà theo dõi điều trị, 3 cháu khác hiện nay đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương.

Một bé trai tử vong vì ăn phải quả hồng trâu rừng - 2
Quả hồng trâu là loại cây rừng có độc tính cao. Ảnh TL

Theo người dân địa phương,quả rừng lạ mà 5 cháu nhỏ ở thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương ( tỉnh Lào Cai) ăn vào bị ngộ độc , trong đó có 1 cháu bị tử vong là quả hồng trâu có dược tính độc rất cao, ăn vào dễ bị ngộ độc cấp, rất dễ gây chết người.

Theo các tài liệu khoa học Cục an toàn vệ sinh thực phẩm ( Bộ Y tế) công bố  gần đây,  cây Hồng trâu  có tên khoa học là Capparis versicolor Griff, họ Màn màn ( tên khoa học là Capparaceae. Loài cây này có quả và hạt độc tuy nhiên chưa có các nghiên cứu chi tiết về độc tính của chúng. Hiện nay, Trung tâm phòng chống độc – Học viện Quân Y đang phối hợp nghiên cứu, thử nghiệm độc tính trên cùi của quả và nhân hạt để đề ra biện pháp phòng độc, giải độc có hiệu quả.

Phạm Ngọc Triển