1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mỗi người Việt tốn 6-10 triệu đồng khi đi viện vì căn bệnh do muỗi truyền

Hồng Hải

(Dân trí) - TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng,

Thông tin trên được Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết tại buổi tọa đàm "Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 3/12.

Mỗi người Việt tốn 6-10 triệu đồng khi đi viện vì căn bệnh do muỗi truyền - 1

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm (Ảnh: baochinhphu.vn).

Theo TS Hoàng Minh Đức, ở Việt Nam, sốt xuất huyết phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong thấp.

Theo Cục trưởng Cục y tế dự phòng, sốt xuất huyết tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân, tạo sức ép cho hệ thống y tế.

"Cách đây 7 năm, chúng tôi đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn", TS Đức cho biết.

Mỗi người Việt tốn 6-10 triệu đồng khi đi viện vì căn bệnh do muỗi truyền - 2

Mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt mắc sốt xuất huyết. Với mỗi ca nhập viện, chi phí trung bình từ 6-10 triệu đồng (Ảnh minh họa: Minh Nhật).

Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi.

Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Ví dụ, ở Hà Nội năm ngoái có hơn 40.000 ca mắc, chưa bao giờ Hà Nội có ca mắc lớn như thế. Năm nay, đến thời điểm này, Hà Nội có hơn 7.000 trường hợp mắc.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Tại viện đã gặp những ca trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng sốt xuất huyết do người mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết trong lúc mang thai, trong lúc đang sinh.

Tại khu vực phía Nam, 60-70% bệnh nhân sốt xuất huyết là trẻ dưới 15 tuổi, trong khi đó ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc thì người lớn lại chiếm số lượng nhiều.

Dù công tác điều trị hiệu quả, tử vong do sốt xuất huyết thấp, nhưng dịch vẫn xảy ra mỗi năm. "Có những lúc chúng tôi ký chứng tử 2-3 cháu tử vong, đặc biệt có gia đình trong một mùa dịch mất đi luôn cả hai đứa con. Đây là niềm đau, phải nói là không thể tưởng tượng được", PGS Hùng chia sẻ.

Theo TS Đức, phòng chống sốt xuất huyết, phương pháp cổ truyền và hiệu quả là tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh, tuy nhiên rất khó thực hiện, vì thế, vẫn có khoảng trống trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda. Từ tháng 9, vaccine này đã được tiêm chủng cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.

Theo GS Vũ Sinh Nam, tỉ lệ tiêm vaccine không nhiễm sốt xuất huyết là 85% và khi bị nhiễm thì hơn 90% không có triệu chứng nặng phải nhập viện. 

Để làm giảm số ca mắc thì ngoài công tác phòng, chống diệt muỗi, diệt lăng quăng, bảo vệ cho trẻ, bảo vệ cho chúng ta không bị muỗi đốt thì vaccine vẫn là công cụ hiệu quả nhất.

"Sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết, vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine", TS Đức lưu ý.