Mỗi người đều có nguy cơ là nạn nhân của bệnh không lây nhiễm

(Dân trí) - Diễn tiến âm thầm, khi có dấu hiệu cụ thể đã ở giai đoạn nặng, các bệnh lý không lây nhiễm ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Đội ngũ y bác sĩ không được cập nhật kiến thức mới, hiểu biết của người dân quá hạn chế đang tạo cơ hội cho bệnh tật hoành hành.

Thông tin trên được PGS.TS.BS Phạm Ngọc Quang, Tổng thư ký Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ trong buổi công bố chương trình đào tạo y khoa liên tục (new concept) và trang thông tin tư vấn kiến thức y khoa www.01minh.com.

tim mach (3).JPG

Bệnh lý mạn tính không lây đang là nguyên nhân gây quá tải ở các bệnh viện

 

Theo PGS Ngọc Quang, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, mô hình bệnh tật của Việt Nam đang thay đổi rất nhanh theo hướng gia tăng các loại bệnh không lây nhiễm. Đáng báo động nhất là nhóm các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đai tháo đường, béo phì, bệnh lý tuyến giáp.

Hiện nay trên cả nước có khoảng 18 triệu người bị tăng huyết áp, bệnh lý đái tháo đường, chiếm khoảng 5,4% trong nhóm tuổi những người trưởng thành. Số ca bệnh đã tăng gấp 2 lần trong một thập niên trở lại đây. Bên cạnh đó, khoảng 4,3 triệu người đang bị bệnh lý tuyến giáp. Đáng báo động hơn là số bệnh nhân không được kiểm soát, không được điều trị hoặc điều trị nhưng không đạt hiệu quả.

Bệnh tăng huyết áp đang gây họa cho cộng đồng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… khiến bệnh nhân tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. Tuy nhiên, trên thực tế có tới hơn 50% số bệnh nhân bị tăng huyết áp không biết tình trạng bệnh của mình, chỉ 30% bệnh nhân tăng huyết áp tiếp cận với các giải pháp điều trị (10% đạt huyết áp bình thường) phần lớn bệnh nhân còn lại “lãng quên” điều trị cho đến khi gặp những biến chứng nguy hiểm thì đã muộn.

tim mach (2).JPG

Bệnh không lây nhiễm đang tấn công mọi lứa tuổi với mức độ ngày càng nguy hiểm

 

Đái tháo đường, dù đã có những quy trình để kiểm soát đường huyết, điều trị cho bệnh nhân để hạn chế các biến chứng tàn phế nhưng đến nay có khoảng 64% bệnh nhân đái tháo đường trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện. Độ tuổi mắc đái tháo đường cũng ngày càng trẻ hóa với những biến chứng phức tạp nhất là biến chứng tim mạch.

Riêng bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch gây suy tim cũng chưa được chú trọng chẩn đoán, phát hiện, điều trị sớm.

Mô hình bệnh tật không lây nhiễm đang gia tăng là nguyên nhân trực tiếp gây áp lực lên lĩnh vực điều trị, gây quá tải người bệnh tại các bệnh viện. Các loại bệnh không lây nhiễm cũng đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội khi tạo ra những gánh nặng về mặt tài chính cho mỗi gia đình và hàng loạt người bệnh mất khả năng lao động phải lệ thuộc vào người thân.

Ngoài những nguyên nhân trên, PGS Ngọc Quang thẳng thắn chỉ ra, đội ngũ y bác sĩ không được cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực y khoa khi hiểu biết về bệnh tật đang phát triển như vũ bão đã vô tình làm mất đi cơ hội điều trị cho người bệnh. Mặt khác, ngành y tế chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin phòng bệnh cho người dân khiến hiểu biết của cộng đồng còn hạn chế đang tạo cơ hội cho sự gia tăng của bệnh.

tim mach (1).JPG

Hội Tim mạch Việt Nam đang chủ động xúc tiến các giải pháp nâng cao chuyên môn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

 

Để chủ động nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ, cung cấp thông tin y khoa giúp cộng đồng chủ động phòng bệnh bảo vệ sức khỏe, Hội Tim mạch Việt Nam đang xúc tiến các hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu đào tạo liên tục trên cơ sở cập nhật những kiến thức y khoa mới cả về lý thuyết và thực hành lâm sàng cho các bác sĩ trên khắp cả nước. Các bác sĩ cũng sẽ cung cấp thông tin, tư vấn chuyên môn chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh cho cộng đồng thông qua website: 01minh.com

GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho rằng: “Truyền thông giáo dục nhận thức cho người dân về cách phòng tránh bệnh tật là hoạt động cần đầu tư lâu dài của toàn xã hội, cần sự chủ động của người làm công tác y tế và cộng đồng. Hậu quả và gánh nặng do bệnh tật gây ra chỉ có thể giảm thiểu khi mọi người đều có ý thức sớm về bệnh, học cách chăm lo cho sức khỏe của bản thân và tránh xa các thói quen sinh hoạt độc hại”.

Với xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa, thay đổi môi trường và thói quen sống, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Điển hình là thói quen hút thuốc lá (45,3% nam giới hút thuốc), rượu bia (77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) nam giới uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với mức khuyến nghị của WHO; khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực.

Vân Sơn