Mỗi ngày, 150 người Việt Nam chết vì bệnh đái tháo đường
(Dân trí) - Bệnh đái tháo đường đang bùng phát dữ dội tại Việt Nam, ước tính mỗi ngày cả nước có 150 người chết vì căn bệnh này. Ăn uống bất hợp lý, con người lười vận động là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng của căn bệnh mạn tính không lây nói trên.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) trong ngày 2 cuối tuần qua, trên địa bàn TPHCM đã có nhiều hoạt động. Tại quận 7, Hiệp hội Đái tháo đường và nội tiết TPHCM đã tổ chức chương trình đi bộ “10 triệu bước chân cùng phòng chống bệnh đái tháo đường” với hơn 1.000 người tham gia. Tại Bệnh viện quận Thủ Đức, chương trình tư vấn cho cộng đồng về bệnh đái tháo đường và các biện pháp phòng chống cũng thu hút hàng trăm người tham dự.
PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hiệp hội Đái tháo đường và Nội tiết, TPHCM cho hay: “Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính không lây nhưng vô cùng nguy hiểm, nó diễn tiến âm thầm, đến khi có các biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã trở nặng hoặc biến chứng. Thực tế, công tác phòng chống đái tháo đường tại Việt Nam cho thấy, cộng đồng chưa nhận thức đúng đắn về sự nguy hiểm của bệnh nên có tâm lý chủ quan, thờ ơ.”
Theo ước tính của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 5 triệu người mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, 65% trong số đó vẫn chưa được chẩn đoán và không biết là mình bị bệnh. Hơn 85% số bệnh nhân khi được phát hiện đã có biến chứng dẫn đến việc điều trị hết sức khó khăn, cứ 10 người mắc bệnh lại có tới 6 trường hợp đã quá nặng. Đái tháo đường đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, mỗi ngày trên cả nước có khoảng 150 ca tử vong, trung bình 1 năm Việt Nam có gần 55.000 người chết do căn bệnh này.
Đáng báo động hơn, trong 10 năm gần đây, tỷ lệ gia tăng bệnh Đái tháo đường tại Việt Nam đang phát triển theo cấp số nhân (211% so với tỷ lệ 70% của thế giới). PGS Nguyễn Thy Khuê chỉ ra, nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường là do: Chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu cân bằng, dung nạp quá nhiều tinh bột, đường, ít chất xơ; xã hội công nghiệp khiến con người lười vận động dẫn tới thừa cân, béo phì, cơ thể đề kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường và các bệnh tim mạch, hô hấp.
Bên cạnh đó vấn đề rối loạn chuyển hóa dẫn tới sự bất thường về dung nạp glucose của cơ thể ở những người độ tuổi ngoài 30; huyết áp cao; chỉ số cholesterol cao; áp lực cuộc sống khiến con người thường xuyên căng thẳng; tiền căn gia đình có người mắc bệnh; lịch sử đái tháo đường của phụ nữ trong thai kỳ… cũng là những nguyên nhân gây bệnh.
Phân tích chuyên môn của BS CKII, Ngô Thế Phi, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện quận Thủ Đức cho thấy: Đái tháo đường xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng tạo ra insulin, hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả dẫn đến nồng độ glucose trong máu cao, còn gọi là tăng đường huyết. Khi nồng độ glucose máu tăng cao, nếu không có sự can thiệp kịp thời, sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể.
Đái tháo đường có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng như: bệnh võng mạc gây mù lòa; tổn thương thần kinh nặng dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử phải cắt cụt chi; bệnh lý tim mạch gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đái tháo đường là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả, để tránh nguy cơ mắc bệnh, BS Thế Phi khuyến cáo cộng đồng cần có một chế độ ăn hợp lý mỗi ngày 3 bữa, khẩu phần ăn nhiều rau củ quả, ít tinh bột, đạm và chất béo; hạn chế sử dụng thức ăn nhanh và đồ uống có cồn; tập thể dục đều đặn, kiểm soát và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý ổn định.
10 dấu hiệu phổ biến cảnh báo bệnh đái tháo đường: (1) khát nước và đi tiểu nhiều; (2) sụt cân đột ngột; (3) cơ thể suy nhược, mệt mỏi; (4) da khô, ngứa hoặc có vảy; (5) ngứa ran hoặc tê chân tay; (6) đói liên tục; (7) chậm lành vết thương; (8) nhìn mờ; (9) nhiễm trùng thường xuyên; (10) tính tình khó chịu, hay cáu gắt. Những người mắc các biểu hiện trên cần sớm đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Vân Sơn