1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.800 trẻ mắc ung thư

Nam Phương

(Dân trí) - Ung thư ở trẻ em là nhóm bệnh tương đối hiếm gặp, chiếm chưa tới 1% tổng số bệnh ung thư được chẩn đoán mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc ung thư đã tăng nhẹ trong vài thập kỷ qua.

Chia sẻ tại lễ ký kết hợp tác chương trình "80.000 ly sữa trao tặng bệnh nhi ung thư" diễn ra tại Hà Nội sáng 17/7, TS.BS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, trong điều trị bệnh nhi ung thư, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn để chống lại bệnh. 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.800 trẻ mắc ung thư - 1

TS.BS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế (Ảnh: Trần Minh).

Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), số lượng bệnh nhân ung thư mới và số ca tử vong do ung thư trên thế giới tăng lên qua từng năm.

Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) trên 185 quốc gia cho thấy, từ năm 2018 đến 2021, Việt Nam từ vị trí 99 tăng lên vị trí 90 về tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư mới và từ vị trí 56 tăng lên 50 về số ca tử vong do ung thư.

Ung thư ở trẻ em là nhóm bệnh tương đối hiếm gặp, chiếm chưa tới 1% tổng số bệnh ung thư được chẩn đoán mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư ở trẻ em đã tăng nhẹ trong vài thập kỷ qua. 

Trên thế giới, mỗi năm có thêm khoảng 160.000 trẻ em mắc mới ung thư và 90.000 trẻ em tử vong do căn bệnh này, riêng tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.800 trẻ mắc bệnh. Ở các nước phát triển ung thư là nguyên thứ 2 gây tử vong ở trẻ em dưới 14 tuổi.

Với ung thư nói chung đặc biệt là ung thư trẻ em, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng, giúp điều trị mang lại hiệu quả cao, nhiều bệnh nhân có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tỷ lệ khỏi bệnh ở trẻ em nhìn chung trong khoảng 70-80%. 

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không được điều trị đầy đủ. Kết quả sống thêm và khỏi bệnh còn thấp.

Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, bên cạnh dùng thuốc và tuân thủ phác đồ điều trị, dinh dưỡng là nền tảng cơ bản, góp phần kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.800 trẻ mắc ung thư - 2

Ung thư ở trẻ em tương đối hiếm gặp nhưng đã tăng nhẹ trong vài thập kỷ qua (Ảnh minh họa: Health).

Tuy nhiên, chăm sóc dinh dưỡng chưa thực sự được chú ý, dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng trở nên phổ biến ở bệnh nhân ung thư, kéo theo chứng suy mòn, làm cho bệnh nhân yếu đi, sụt cân, teo cơ, mất lớp mỡ dưới da…

Thống kê cho thấy có tới 50-80% người bệnh ung thư bị sụt cân và khoảng 30% bệnh nhân tử vong do suy kiệt cơ thể trước khi tử vong do ung thư. Do đó, bệnh nhân ung thư cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt và tích cực để bù đắp sụt cân, duy trì sức khỏe và tiếp nhận các can thiệp điều trị tốt hơn.

Vì thế, chương trình hợp tác "80.000 ly sữa trao tặng bệnh nhi ung thư" của Báo Sức khỏe và Đời sống sẽ góp phần tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, tầm soát sớm và điều trị hiệu quả bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư ở trẻ em.

Đồng thời, chương trình sẽ dành tặng 80.000 ly sữa dinh dưỡng y học cho bệnh nhi ung thư tại 2 bệnh viện nhi tuyến đầu cả nước bao gồm Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).