1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mổ tim cho bệnh nhân HIV

Các bác sĩ của BV Chợ Rẫy vừa thực hiện ca mổ tim đặc biệt cho một bệnh nhân HIV.

Đứng trước nhiều nguy cơ lây nhiễm, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vẫn quyết định thực hiện ca mổ tim cho bệnh nhân, vì nếu không tiến hành ca mổ, bệnh nhân sẽ tử vong do tình trạng hở van tim quá nặng.

Không được phép từ chối

BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, kể lại: Vào đầu tháng 1, bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (47 tuổi, Tây Ninh) được chuyển đến khoa trong thể trạng khó thở, ho ra máu, viêm phổi, sốt 39 độ kèm theo tình trạng hở van hai lá nặng. BS cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Do thể trạng quá yếu, bệnh nhân được test nhanh HIV và cho kết quả dương tính.

Mặc dù biết việc thực hiện ca mổ tim cho người bị HIV có rất nhiều nguy cơ, cả phía kíp mổ lẫn người bệnh nhưng đội ngũ BS khoa Hồi sức Phẫu thuật tim vẫn quyết định sẽ mổ cho bệnh nhân.

Các BS tư vấn cặn kẽ ưu điểm, nhược điểm của việc phẫu thuật và không phẫu thuật như thế nào để bệnh nhân và gia đình cùng hiểu. Sau đó, BS gửi kết quả đến Viện Pasteur kiểm tra lại lần nữa. Trong thời gian chờ đợi kết quả cuối cùng, bệnh nhân được chăm sóc khắc phục viêm phổi trước khi phẫu thuật tim.

“Gần 13 ngày chờ đợi, đến ngày 17-1 mới có kết quả xác định dương tính với HIV. Gia đình và cả bệnh nhân đều sốc nên chúng tôi phải cho thêm vài ngày để suy nghĩ. Đến ngày 23-1, bệnh nhân mới đồng ý lên bàn mổ để thay van tim” - BS An kể.

Bệnh nhân được chăm sóc sau phẫu thuật tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: H.PHƯỢNG
Bệnh nhân được chăm sóc sau phẫu thuật tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: H.PHƯỢNG

Đây là trường hợp đầu tiên mổ tim cho bệnh nhân HIV và là trường hợp hiếm hoi duy nhất tình trạng hở van tim rất nặng cần được giải quyết càng sớm càng tốt. “Lúc này tình trạng cấp bách là giải quyết bệnh tim ngay cho bệnh nhân. Vì vậy suốt quá trình chờ đợi, tôi cố gắng làm sao cho gia đình hiểu rằng HIV vẫn có thể giải quyết về lâu dài được nhưng bệnh tim nếu không can thiệp bệnh nhân sẽ chết” - BS Nguyễn Thị Thanh Hà, BS điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Đ., chia sẻ.

Xung phong làm phẫu thuật

Việc mổ cho bệnh nhân HIV với các BS đã rất đáng trân trọng nhưng hành động xung phong trực tiếp mổ của một BS nội trú năm hai đang thực tập có lẽ còn đáng trân trọng hơn.

Quyết định ở lại BV trực Tết, BS Lê Kim Cao (sinh năm 1991, Phú Yên), hiện là BS nội trú thực tập tại BV Chợ Rẫy, là một trong ba thành viên của kíp mổ hôm đó. Nhớ lại ngày vào làm phẫu thuật, với một chút tâm trạng lo lắng, BS Kim Cao bày tỏ: “Lúc đó BS An trưởng khoa nói vì đây là trường hợp đặc biệt nên dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không chỉ định người mổ như thông thường. Mình thấy có hai anh BS đồng ý mổ rồi nên mình cũng xung phong vào phẫu thuật. Lúc đó cũng không lo lắng gì nhiều, chỉ nghĩ bệnh nhân đang cần mình, trách nhiệm của một BS phải làm nên mình xin vào phẫu thuật thôi” - BS Cao kể lại.

Khi được hỏi về nỗi lo lắng lây nhiễm khi tiếp xúc dao kéo với bệnh nhân HIV, BS Kim Cao chia sẻ: “Thực sự lúc đó mình không lo lắng quá nhiều, vì đã quyết định vào phẫu thuật thì phải làm hết mình. Khi đó mình chỉ nghĩ nếu lỡ không may kim chọc vào tay hay dao cắt trúng thì mình điều trị phơi nhiễm vẫn được. Chứ ai cũng sợ, không chịu mổ thì bệnh nhân sẽ không còn cơ hội. Quả thật ở giảng đường tụi mình đã được học về trường hợp này nhưng khi gặp trong thực tế là chuyện hoàn toàn khác. Mình nghĩ phải trải qua thực tế thì mới học hỏi được kinh nghiệm” - BS Lê Kim Cao tâm sự.

Theo BS An, khoa đặt yêu cầu các BS xem đây là một ca mổ bình thường, không kỳ thị. Vấn đề chính là phải chuẩn bị các trang thiết bị phẫu thuật riêng, quần áo riêng và chế độ chăm sóc riêng. Đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và người làm phẫu thuật.

Sau mổ hai tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện. “Vấn đề còn lại bây giờ là điều trị HIV, may là bệnh nhân chỉ mới ở giai đoạn đầu nên cơ hội chữa trị vẫn còn rất nhiều” - BS An cho biết.

Bác sĩ không bao giờ từ chối bệnh nhân

Qua phẫu thuật, chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bệnh nhân, BV Chợ Rẫy và anh em trong ngành y tế luôn làm việc với tinh thần nếu bệnh nhân cần chúng tôi luôn sẵn sàng. Mặt khác, đối với một bệnh nhân bị HIV kèm với bệnh tim hay tim kèm với ung thư chẳng hạn thì vẫn luôn có cách điều trị, chỉ mong bệnh nhân đừng buông xuôi quá sớm. Với chúng tôi, chỉ có bệnh nhân từ chối BS chứ BS không bao giờ từ chối bệnh nhân.

BS NGUYỄN THÁI AN,

khoa Hồi sức Phẫu thuật tim - BV Chợ Rẫy

Theo Hà Phượng

Pháp luật TPHCM