Mở rộng cảnh báo lây truyền Zika

Không chỉ lây truyền qua đường máu, Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo nguy cơ lây truyền virus Zika qua đường tình dục và nước mắt

Nhằm phản ứng tốt hơn trước sự bùng phát dịch bệnh trong khu vực, bao gồm cả virus Zika , 11 quốc gia tại Nam Á và Đông Á vừa đồng ý thành lập một quỹ khẩn cấp tăng cường dịch vụ y tế.

Lưu hành trong nước

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết virus Zika có liên quan với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Từ cuối tháng 8-2016 đến nay, ở Singapore bùng phát dịch do virus Zika với số ca mắc tăng nhanh hằng ngày. Kết quả giải trình tự gien cho thấy đây là chủng virus có nguồn gốc châu Á.

Trước tình hình này, các nước Đông Nam Á đã tăng cường biện pháp giám sát tại cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh - thành, đề nghị địa phương cân đối ngân sách bảo đảm các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết (SXH).

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch SXH và Zika 2-3 lần. Các trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika đều được lấy mẫu gửi về Viện Pasteur/Viện Vệ sinh dịch tễ xét nghiệm, đánh giá sự lưu hành của virus và chủ động triển khai biện pháp phòng chống. Ông Long cũng nhấn mạnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa khuyến cáo hạn chế đi lại và thương mại nên người dân không cần quá lo lắng song phải chủ động phòng dịch.

PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định tại Việt Nam đã có 3 người dương tính với virus Zika. Các trường hợp này đều không đi nước ngoài, chứng tỏ có sự lưu hành virus này trong nước. Sự lưu hành không gây bất ngờ vì các nước ở Đông Nam Á từng xét nghiệm có virus Zika lưu hành trong những năm trước như Campuchia, Philippines, Lào, Thái Lan, Malaysia. Do đó, thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Mở rộng cảnh báo lây truyền Zika - 1

Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết và virus Zika tại TP HCMẢnh: NGUYỄN THẠNH

Nguy cơ lây truyền qua đường tình dục

Mới đây, WHO cũng mở rộng khuyến nghị về lây truyền vius Zika. Theo đó. WHO tư vấn cho cả nam giới và phụ nữ trong khu vực có dịch Zika thực hành tình dục an toàn trong ít nhất 6 tháng. Nguyên nhân do nhiều nghiên cứu cho thấy quan hệ tình dục có nguy cơ cao lây nhiễm Zika. Zika có thể được tìm thấy trong máu, tinh dịch của đàn ông trong nhiều tháng. Virus này cũng có trong nước tiểu và mới nhất là trong nước mắt của chuột. Những con chuột được tiêm nước mắt chuột nhiễm Zika cũng bị nhiễm.

“Chúng tôi đang sử dụng loại test được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (USCDC) hỗ trợ, xét nghiệm được 3 loại bệnh, trong đó có SXH và Zika" - ông Nguyễn Đắc Phu nhấn mạnh.

Cơ quan y tế đã phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ và nhận định muỗi Aedes truyền bệnh SXH (cũng là muỗi truyền bệnh do virus Zika) đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa, tạo thuận lợi truyền virus Zika từ muỗi sang người chưa miễn dịch. Sự lây truyền vẫn chủ yếu qua muỗi (muỗi vằn) và đường tình dục.

“Cần tuyên truyền để người dân không chủ quan với bệnh do virus Zika . Nếu làm tốt điều đó, chúng ta không những giải quyết được bệnh do virus Zika mà còn ngăn chặn SXH. Cả 2 bệnh này đang lưu hành do đường muỗi truyền. Miền Bắc đang mùa gió heo may, dấu hiệu bệnh SXH sẽ giảm. Tuy nhiên, miền Nam đang mùa mưa - mùa của SXH. Chúng ta cần bình tĩnh, làm tốt công tác phòng bệnh, tránh hoang mang làm ảnh hưởng đến du lịch” - ông Phu nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, TP có gần 10.000 ca mắc SXH nhập viện, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8 có 2 ca tử vong ở huyện Hóc Môn và quận Gò Vấp. Dự báo số ca mắc SXH sẽ tăng cao trong tháng 9 và tháng 10, nhiều ca bệnh nặng cũng gia tăng.

Theo bác sĩ Lê Thị Ánh Tuyết, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP, TP đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh do virus Zika truyền từ muỗi Aedes aegypt. Đây là loài muỗi truyền bệnh SXH đang phổ biến tại TP.

Theo các bác sĩ, hiện nay, hoạt động phun hóa chất của ngành y tế chỉ giải quyết được khi mật độ muỗi nhiều và hiệu quả mang tính tạm thời. Vì vậy, để phòng bệnh đạt hiệu quả như mong muốn, mỗi người, mỗi hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi, giảm nơi sinh sản của muỗi không những tại gia đình mà còn ở nơi làm việc. Cụ thể, mỗi người cần phòng tránh muỗi đốt mọi lúc mọi nơi và trong bất kỳ hoàn cảnh nào; diệt muỗi mỗi ngày; tìm và tiêu diệt lăng quăng mỗi tuần…

80% người nhiễm không có triệu chứng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý tỉ lệ người nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng, rất khó phát hiện lên tới 80% nên việc sàng lọc và khám cũng như đo thân nhiệt tại các cửa khẩu không phải là biện pháp hữu hiệu. Bộ Y tế khuyến cáo khi những người đi đến vùng đang ghi nhận dịch Zika mà có biểu hiện sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban… thì cần đến ngay các cơ sở y tế.

Theo Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm