Miếng dán thải độc không có tác dụng hút độc

Sau khi thử nghiệm tác dụng của miếng dán thải độc ngoài không khí, phóng viên đã mang miếng dán này đến Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam để được chuyên gia phân tích.

Thành phần axit, vô cơ và chất keo

Chất bột khô bên trong miếng dán.
Chất bột khô bên trong miếng dán.

 
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã xem mẫu miếng dán thải độc còn mới nguyên cùng một miếng dán đã để ngoài không khí và nhận định: “Việc thử nghiệm cho thấy miếng dán không có ý nghĩa tác dụng gì về mặt cảm quan, bởi dù có dán vào cơ thể hay không thì vẫn thôi ra màu xám đen, kèm theo chất nhờn dính như keo”.

  

Vị chuyên gia này đã cắt miếng dán chưa dùng và đổ ra một tờ giấy trắng chất bột màu trắng xám nhàn nhạt. Quan sát thấy dạng bột khá mịn, lẫn với các hạt li ti. Khi xoa bột khô giữa hai đầu ngón tay và phủi sạch thì vẫn có cảm giác hơi bám dính. Đổ một chút nước vào thì bột chuyển sang màu đậm gần như xám đen và sền sệt như có keo dính.

 

Các thành phần trong miếng dán được ghi trên vỏ hộp gồm có giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axit glycolic. PGS.TS Phạm Gia Điền phân tích thành phần silica thực chất là dạng cát sạch, đá tourmaline, bột ngọc trai đều là thành phần vô cơ; dextrin và chitosan có thể coi là chất keo, tạo độ nhờn dính khi hút ẩm. Thành phần axit glycolic được sử dụng trong ngành mỹ phẩm, hoạt động như một chất tẩy tế bào chết vì độ axit cao, nhưng khả năng hòa tan dễ dàng. Tuy nhiên, với nồng độ cao thì đây lại là một chất độc, cực kỳ nguy hiểm cho da khi tiếp xúc.

 

Theo tài liệu của Wikipedia và trang thông tin Mokusaku Wood Vinegar (giấm gỗ Mokusaku) của Nhật Bản, giấm gỗ là một chất lỏng màu nâu nhạt, sinh ra khi gỗ được đốt nóng trong điều kiện kín khí trong quá trình sản xuất than củi. Thành phần chính của giấm gỗ gồm có axit acetic, acetone và methanol. PGS.TS Phạm Gia Điền khẳng định, các thành phần này không có tác dụng hút chất độc, thậm chí aceton và methanol còn là hóa chất độc hại.

  

Không có tác dụng hút độc

 
PGS.TS Phạm Gia Điền trộn bột với một chút nước.
PGS.TS Phạm Gia Điền trộn bột với một chút nước.

Xem xét kỹ vỏ hộp và tờ hướng dẫn bên trong, PGS.TS Phạm Gia Điền cho rằng, thông tin về miếng dán thải độc với các tác dụng “thần kỳ” như đã nói thực chất chỉ là một sự lừa bịp. Mọi thông tin có trong và ngoài hộp sản phẩm đều chỉ nêu thành phần và hướng dẫn cách dán chứ không hề có một chữ nào về tác dụng của sản phẩm này.

 

Một sản phẩm được cho là thực phẩm chức năng nhưng lại không có chỉ định người dùng và công dụng của sản phẩm đã là điều không hợp lý. Tệ hại hơn là người bán các sản phẩm này mặc sức bổ sung đủ mọi công dụng thần kỳ, thậm chí mỗi người lại quảng cáo về tác dụng khác nhau cho cùng một loại sản phẩm.

 

BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354 khẳng định, đúng là từ cổ chân trở xuống có 66 huyệt vị và lòng bàn chân là nơi phản chiếu thương tổn ở vùng đại diện của cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể. Việc day, bấm các huyệt vị ở lòng bàn chân để tìm những vùng có cảm ứng đau tương ứng với các cơ quan, bộ phận cơ thể có thương tổn thực sự có tác dụng giúp chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh.

 

Việc day, bấm huyệt ở gan bàn chân sẽ giúp tác động lên hệ thống dây thần kinh dẫn đến các cơ quan, bộ phận đó và giúp cải thiện tình trạng bệnh, chứ thực tế, không phải các thương tổn đó đều dồn về gan bàn chân và có thể hút ra được.

 

Theo Lê Na

Khoa học & Đời sống