1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mệt mỏi, đau đớn sao bác sĩ không tìm ra bệnh?

(Dân trí) - Nhiều người than phiền về những dấu hiệu ăn không ngon, khó thở, rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt… nhưng đi khám đủ nơi bác sĩ không tìm ra bệnh. Bệnh tìm không ra, trong khi các biểu hiện ngày càng rõ ràng khiến không ít người mệt mỏi, hoang mang, thậm chí nghĩ mình mắc ung thư.

Giận con, “chê” bác sĩ vì không tìm ra bệnh

TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều bệnh nhân với các biểu hiện trên nhưng khi khám không tìm ra bệnh đã được đưa đến bác sĩ tâm thần để khám.

Nghe thì có vẻ lạ, sao người bệnh mệt mỏi, đau yếu lại đi khám tâm thần? Nhưng rất nhiều trong số bệnh nhân đó, sau khi được bác sĩ tâm thần chẩn bệnh, kê đơn, các triệu chứng khiến họ phàn nàn về sức khỏe đã dần lui.

Nhiều trường hợp trầm cảm lại biểu hiện bằng các dấu hiệu toàn cơ thể. Ảnh: Thế Anh.
Nhiều trường hợp trầm cảm lại biểu hiện bằng các dấu hiệu toàn cơ thể. Ảnh: Thế Anh.

PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội tâm thần học Việt Nam cho biết, nhiều trường hợp biểu hiện với các triệu chứng hô hấp, xương khớp… qua hội chẩn nhiều lần mới tìm ra căn nguyên là rối loạn trầm cảm.

Nhiều bệnh nhân đầu tiên chỉ từ các dấu hiệu mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, lo âu, sợ tiếp xúc với người xung quanh… lâu dần diễn biến ngày càng nặng hơn dẫn đến mất ăn mất ngủ, gầy sút cân nhưng đi khám mãi không ra bệnh.

Bệnh nhân nam giới N.V.H (79 tuổi) được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) mới đây trong tình trạng không ăn, uống vài ngày nay để được chết.

Cách đây 3 tuần, bệnh nhân thường xuyên khóc và than phiền về sự sụt giảm thể lực, gầy sút 3 kg trong 3 tuần. Đêm bệnh nhân ngủ ít, mệt mỏi nhiều. Cách thời điểm vào viện 3 ngày, bệnh nhân buồn chán nói với người nhà về cái chết, xin lỗi người nhà vì làm khổ họ, khóc nhiều. Trước vào viện 2 ngày, bệnh nhân không chịu ăn bất cứ thứ gì, kể cả uống nước để được chết.

Sau khi được bù nước tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được đưa sang Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) để điều trị trầm cảm.

Anh Bùi Văn Diệu (47 tuổi, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) nhiều năm nay bị tình trạng đau đầu liên tục, ảnh hưởng đến công việc. Đi khám nhiều nơi, chiếu chụp đủ cả cũng không tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.

Hay trường hợp của bà T.H.H (55 tuổi, Hà Tĩnh) có dấu hiệu ăn uống kém ngon, hay bị rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, cơ thể hay bị đau nhức, cảm giác như kiến bò; buồn bực. Tình trạng này kéo dài suốt 2 năm, dù con cái đưa bà đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

Con gái bà H. cho biết, có nhiều lần mẹ phàn nàn các con đưa đi khám ở những nơi chưa đúng chuyên khoa; rồi “chê” bác sĩ rõ bà có biểu hiện thì lại cứ kêu bà không có bệnh.

“Tình trạng này kéo dài 2 năm nay, kể từ khi bà ra Hà Nội bế cháu. từ sáng đến tối, bà chỉ có thời gian lo cho cháu ăn, ngủ, chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Được vài tháng thì bà bắt đầu có những dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau người…”, chị Hải, con bà H. cho biết.

Dễ nhầm sang bệnh lý khác

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết, triệu chứng trầm cảm thường trùng lập và khó nhận ra. 30 – 50% bệnh nhân không được phát hiện ở cơ sở y khoa.

Bởi trầm cảm không chỉ là triệu chứng cảm xúc, với khí sắc trầm, buồn, mất hi vọng, tự ti, giảm chú ý, khó thở, khó tập trung, lo lắng, cảm giác tù túng, có hành vi muốn tự sát.

Mà còn biểu hiện các triệu chứng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt, gặp các vấn đề tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ợ hơi, tiêu chảy, táo bón), đau đầu, đau cơ, khớp, đau lưng, đau bụng, đau ngực, rối loạn tình dục, giảm ham muốn tình dục.

Bác sĩ, người bệnh không quan tâm nhiều triệu chứng cảm xúc, thay vào đó quan tâm nhiều đến việc người bệnh than phiền về triệu chứng cơ thể. Trong khi đó, trầm cảm xuất hiện triệu chứng cơ thể càng khó nhận biết bởi nó giống với nhiều bệnh lý khác.

Vì những dấu hiệu này, nhiều người được gia đình đưa đi khám hết viện nọ đến viện kia mà vẫn không tìm ra bệnh. Không ai nghĩ những triệu chứng thực thể đó lại khám chuyên khoa tâm thần nên bệnh rất hay bỏ sót. Với phụ nữ, nhiều trường hợp bị nhầm sang các triệu chứng "thời kỳ mãn kinh".

Không chỉ là những áp lực cuộc sống, mà trầm cảm cũng dễ xảy ra ở những người mắc bệnh lý mãn tính. Như bệnh parkinson có 51% bệnh nhân trầm cảm. Tiếp đến những người mắc các bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, sốc… có nguy cơ trầm cảm cao.

Vì thế, theo BS Tâm, nếu thấy có những dấu hiệu thực thể trên kéo dài, khám nhiều nơi mà không tìm thấy bệnh thì nên đi khám tâm thần.

Với điều trị trầm cảm, trị liệu tâm lý quan trọng không kém thuốc. Hai phương pháp này bổ trợ cho nhau giúp người bệnh mau bình phục. Để có thể trị liệu tâm lý, sự quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ của gia đình vô cùng quan trọng.

Ngày Sức khỏe thế giới 7/4/2017 có chủ đề “Phòng, chống trầm cảm” với lời kêu gọi “Trầm cảm, hãy cùng trò chuyện”, khuyến khích người bệnh, người nhà bệnh nhân hãy luôn trò chuyện để người xung quanh thấy được những vấn đề người bệnh trầm cảm đang đối mặt, sẽ giúp đỡ được bệnh nhân trong điều trị, phòng chống căn bệnh này.

Hồng Hải