Mẹo giúp cải thiện khô miệng ở bệnh nhân ung thư

Hà An

(Dân trí) - Khô miệng là tác dụng phụ thường gặp trong và sau xạ trị các bệnh ung thư vùng đầu-cổ do giảm hoặc mất khả năng bài tiết của các tuyến nước bọt.

Nước bọt có nhiều chức năng liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của chúng ta như: bôi trơn, làm sạch, tiêu hóa, kháng khuẩn, vị giác, phát âm, khả năng đệm và tái khoáng.

Áp dụng kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT) góp phần cải thiện tác dụng phụ khô miệng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư vùng đầu-cổ. Uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày và súc miệng bằng dung dịch natri bicarbonat cũng giúp cải thiện khô miệng.

Mẹo giúp cải thiện khô miệng ở bệnh nhân ung thư - 1

(Ảnh: W.H).

Sau đây, bác sĩ Hoàng Đào Chinh, khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện TWQĐ 108 hướng dẫn một số cách giúp cải thiện khô miệng sau xạ trị ung thư đầu cổ:

- Giữ vệ sinh răng miệng như đánh răng 3 lần/ ngày sau bữa ăn bằng bàn chải mềm. Khô miệng làm tăng các vi khuẩn có hại và giảm vi khuẩn có lợi ở khoang miệng.

- Súc miệng và họng nhiều lần mỗi ngày bằng dung dịch đệm natri bicarbonat để kiềm hóa khoang miệng và giữ ẩm cho niêm mạc. Cách pha dung dịch: một thìa cà phê natri bicarbonat vào một lít nước. Tuyệt đối không súc các dung dịch có chứa cồn (alcohol).

- Uống ít nhất 2 lít nước/ngày và một cốc nước vào ban đêm có thể giúp làm ẩm khoang miệng.

- Thức ăn được chế biến phù hợp để dễ nhai và nuốt, tránh các thức ăn cứng, dai cũng như thức ăn cay, chứa nhiều axit.

- Tránh dùng các loại thức ăn khô, mặn, thức ăn và đồ uống có nhiều đường.

- Không dùng các đồ uống có cồn (rượu bia) hoặc chứa caffeine (cà phê, trà, chocolate), các đồ uống có vị chua (nước ép cam, táo, nho, cà chua) do làm tăng khô miệng.

- Ngậm kẹo cứng không đường, nhai kẹo cao su không đường để kích thích tăng tiết nước bọt.

- Ngoài ra, điều trị chuyên sâu như châm cứu, điều trị nội khoa…được chứng minh là góp phần cải thiện triệu chứng khô miệng.