Hạn chế khô miệng trong xạ trị ung thư vùng đầu - cổ
Khô miệng là tác dụng phụ thường gặp trong điều trị ung thư ung thư vùng đầu - cổ bằng phương pháp xạ trị, đặc biệt là hoá xạ trị, do tuyến nước bọt bị tổn thương.
Khô miệng và các biện pháp giảm khô miệng
Cảm giác khô nẻ trong miệng không chỉ gây đau đớn mà còn có thể gây nhiễm trùng, sâu răng và sút cân, không đảm bảo sức khoẻ trong khi điều trị. Thông thường phải mất khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn để các tuyến nước bọt tái sản xuất nước bọt sau xạ trị. Một số bệnh nhân thấy khô miệng được cải thiện trong năm đầu tiên sau xạ trị. Tuy nhiên, đa số sẽ tiếp tục bị khô miệng kéo dài ở các mức độ khác nhau. Mặc dù không ngăn được khô miệng nhưng các nghiên cứu khoa học đã đưa ra khuyến cáo để bệnh nhân cân nhắc về một số biện pháp tự nhiên làm giảm triệu chứng của khô miệng như sau:
Pha 1 cốc nước ấm với 1/4 thìa baking soda và 1/8 thìa muối trắng. Súc miệng trong vài giây sau đó tráng lại bằng nước. Lặp lại 3 giờ một lần, duy trì ít nhất 4 - 6 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn.
Khi ngừng súc miệng, bệnh nhân có thể uống nước thành từng ngụm nhỏ và thường xuyên để giữ ẩm cho miệng và họng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể nhai kẹo cao su hoặc sử dụng kẹo ngậm không đường có chứa slippery elm (một loại lá thảo dược ở Mỹ) để tăng lượng nước bọt tiết ra. Một số người thấy dễ chịu khi ngậm một vài thìa dầu dừa hoặc dầu mè trong 10 - 15 phút vì dầu làm sạch miệng đồng thời bao phủ và làm dịu các vết kích ứng.
Một số nhà thảo dược khuyến cáo các bệnh nhân bị khô miệng nên sử dụng nhân sâm để tăng độ ẩm trong miệng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng nhân sâm hay bất cứ loại thảo mộc nào, bệnh nhân có khô miệng cần được kiểm tra để tránh các tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc đang sử dụng để điều trị.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y học Hoa Kỳ cho thấy, châm cứu làm giảm các triệu chứng của khô miệng do xạ trị. Theo các chuyên gia, châm cứu không chỉ là phương pháp chữa trị khô miệng, nó còn kích hoạt một phần não bộ để tạo ra nước bọt.
Các kỹ thuật mới giúp hạn chế khô miệng
Tuy nhiên, để giảm nguy cơ mắc khô miệng trong điều trị, người bệnh cũng nên lưu ý cần được kiểm tra sức khoẻ răng miệng thật kỹ trước khi tiến hành hoá trị hoặc xạ trị. Nếu phải nhổ răng, cần làm trước khi xạ trị ít nhất 3 tuần để vết thương có thể lành. Trong khi điều trị hoá xạ trị nên sử dụng chỉ nha khoa nhẹ nhàng và đánh răng sau mỗi bữa ăn với kem đánh răng chứa fluoride, không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn để tránh làm tổn thương răng lợi. Ngoài ra, có thể sử dụng nước bọt nhân tạo để làm ẩm miệng nếu tình trạng khô miệng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để giảm tối đa tác dụng phụ cho bệnh nhân ung thư, hiện nay Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã triển khai thực hiện các kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị quay điều biến thể tích (VMAT, Rapid Arc), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT) trên các máy xạ trị gia tốc CX và TrueBeam STx trong điều trị ung thư đầu-cổ nhằm tăng hiệu quả điều trị và giảm tối đa tác dụng phụ cho người bệnh, đặc biệt là tác dụng phụ khô miệng. Bệnh nhân bị ung thư vùng đầu - cổ (ung thư vòm hầu, ung thư khoang miệng, ung thư hạ họng thanh quản…) thực hiện kỹ thuật này có thể tránh được khô miệng, nuốt khó, tạo cảm giác ăn ngon để tăng sức khỏe, tiến hành các đợt xạ trị tiếp theo.
BS Trịnh Thị Mai (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)
Theo Khoahocdoisong.vn