DMagazine

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống

(Dân trí) - Từ người mẹ nén đau hiến giác mạc con gái, chị Nguyễn Trần Thùy Dương đã trở thành một cán bộ vận động hiến tạng. Chị nói mình đang bước tiếp trên con đường mà Hải An đã khởi đầu bằng tình yêu thương.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống (Video: Khánh Vi).

Sáng 15/12/2024, trong buồng ngủ của một ngôi nhà nhỏ ở giáo xứ Nam Hòa, Hải Hậu, Nam Định, 3 cán bộ y tế đứng xung quanh ông P.V.Đ. đang yên giấc ngàn thu, cúi rạp đầu, bày tỏ sự kính trọng.

Ngồi bên cạnh giường, bà T.T.N., đôi mắt ngấn lệ, nắm chặt tay người chồng đã cách biệt âm dương, miệng lẩm nhẩm những điều còn chưa kịp nói hết.

Trước khi qua đời, ông Đ. có mong muốn hiến tặng giác mạc của mình. Di nguyện của người chồng, người cha được cả gia đình đồng thuận.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 1

Không gian trở nên tĩnh lặng khi cán bộ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tiến hành thu nhận giác mạc. Từng thao tác được thực hiện khẩn trương nhưng nhẹ nhàng nhất có thể.

Nhận hộp đựng giác mạc từ tay người con trai đang cố kìm nén để không bật lên tiếng khóc, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, cán bộ Ngân hàng Mô (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) lại thấy hình ảnh của mình 6 năm về trước.

Tháng 9/2017, gia đình phát hiện bé Hải An (7 tuổi) mắc bệnh u não sau những dấu hiệu bất thường như: méo mồm, song thị. Dù trải qua nhiều lần khám và hội chẩn tại các bệnh viện lớn, kết quả cuối cùng vẫn là căn bệnh hiểm nghèo không thể can thiệp triệt để. Các bác sĩ khuyên gia đình tiến hành xạ trị để kéo dài sự sống, dù khả năng thành công rất thấp.

Trong suốt gần hai tháng điều trị, Hải An luôn mạnh mẽ. Bé không hề than phiền về nỗi đau, ngay cả khi phải chịu những thủ thuật đau đớn. Những lần tỉnh táo, An thường tâm sự với mẹ về ước nguyện đặc biệt: "Con muốn khi mất đi, cơ thể mình vẫn sống tiếp trong người khác".

Ngày 22/2/2018, khi trái tim bé ngừng đập, chị Dương đã gọi ngay đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để thực hiện ước nguyện hiến mô của con gái.

Do quy định pháp luật chỉ cho phép nhận tạng từ người đủ 18 tuổi, các bác sĩ đã lấy giác mạc của bé Hải An. Ngày 26/2/2018, ca phẫu thuật ghép giác mạc từ Hải An đã mang ánh sáng đến cho hai bệnh nhân mù lòa trong hơn 1.000 người chờ đợi.

Câu chuyện về thiên thần nhỏ 7 tuổi Nguyễn Hải An hiến tặng giác mạc gây xúc động mạnh cho người dân cả nước. Sự ra đi của Hải An, với Thùy Dương không chỉ là mất mát mà còn là khởi đầu của một hành trình ý nghĩa: Trở thành cán bộ vận động hiến mô tạng.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 3

 "Thứ gia đình trao cho chúng tôi không chỉ là "di sản cuối cùng" của người thân yêu, mà còn là niềm tin vào y học và tình yêu thương con người", chị Thùy Dương kể về công việc của mình.

Cũng như mọi lần, chuyến xe cấp tốc thẳng tiến về Hà Nội ngày hôm đó mang theo ánh sáng cho 2 cuộc đời. Mỗi một hành trình chuyển giao món quà sự sống, chị Thùy Dương nói, mình lại được gặp Hải An theo cách đặc biệt.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 5

Sau khi câu chuyện của Hải An được lan tỏa, cuộc sống của chị chắc hẳn đã thay đổi rất nhiều?

Sự nổi tiếng bất ngờ sau khi câu chuyện của Hải An được chia sẻ rộng rãi khiến cuộc sống của tôi đảo lộn rất nhiều.

Lúc đầu tôi cảm thấy choáng ngợp, đôi khi lạc lõng và cô đơn. Áp lực dư luận, từ ánh mắt tò mò đến những câu hỏi thăm dò khiến tôi đôi lúc muốn chìm sâu vào nỗi đau nhiều hơn.    

Nhưng khi bước trên con đường mà con gái tôi đã đi - trở thành một người vận động hiến tạng - tôi nhận ra rằng, việc được biết đến rộng rãi không chỉ là gánh nặng mà còn là cơ hội quý giá, để tôi có thể lan tỏa thông điệp về hiến tạng, giúp đỡ nhiều người hơn, giúp cho cộng đồng hiểu được ý nghĩa cao cả của việc cho đi.

Chính điều đó đã trở thành động lực giúp tôi vượt qua khó khăn. Trong suốt quá trình ấy, tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm và ủng hộ từ mọi người.

Những lá thư, những cuộc gọi, những cái ôm ấm áp đã giúp tôi cảm thấy mình không còn đơn độc. Tôi cảm thấy tình yêu thương của mọi người dành cho Hải An và cho tôi là nguồn sức mạnh giúp tôi ngày càng đứng vững.

Giờ đây khi nhìn lại quãng đường mình đã đi qua, tôi nhận ra rằng, cuộc sống luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Nỗi đau mất con là điều không ai mong muốn, nhưng chính những nỗi đau ấy giúp tôi mạnh mẽ hơn.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 7

Hành trình từ một người mẹ nén nỗi đau hiến giác mạc của con trở thành một cán bộ vận động hiến tạng của chị diễn ra như thế nào?

- Ngay sau khi Hải An mất, tôi cảm thấy như mọi thứ không còn ý nghĩa nhiều. Đứa con của mình mang nặng đẻ đau rồi đột nhiên ra đi nhanh quá. Thời gian 7 năm quá ngắn đối với An và đối với một người mẹ như tôi.

Nhưng rồi tôi tự hỏi, liệu mình cứ nhớ về quá khứ, cứ tuyệt vọng, chìm đắm vào trong nỗi đau mà quên đi di nguyện của con thì mọi thứ sẽ ra sao?

Để tìm kiếm một lối thoát, tôi đã quyết định tham gia nhiều hoạt động hơn nhưng sau những phút giây bận rộn, lại là cảm giác vẫn trống vắng và lạc lõng.

Tôi quyết định quay lại trường học, bởi Hải An luôn muốn mẹ là một cô giáo mầm non. Đó là bến đỗ bình yên của tôi trong nhiều năm.

Bước ngoặt xảy đến vào ngày 19/5, khi tôi được mời dự lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Tại buổi lễ, những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và trực tiếp hành động đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não của bác tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của tôi.

Tôi quyết định viết tiếp hành trình còn dang dở của Hải An bằng cách trở thành một cán bộ vận động hiến mô, tạng tại Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 9

 Nhiệm vụ mới chắc hẳn không hề dễ dàng?

- Đúng vậy!

Vận động hiến tạng là một hành trình đầy gian nan, tôi đã từng đối mặt với rất nhiều ánh mắt nghi ngờ, những câu hỏi chất vấn thậm chí cả sự phản đối rất gay gắt.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 11

Nhiều người khi được vận động nói thẳng, hiến tạng là điều khó chấp nhận được, đi ngược với truyền thống về cái chết phải toàn thây, về những mặt tâm linh. Có những lúc tôi cảm thấy rất chán nản, muốn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy những gia đình đang tuyệt vọng đếm từng ngày chờ đợi cơ hội cho người thân… của mình được cứu sống nhờ nguồn tạng hiến, tôi lại xốc lại tinh thần.

Việc từng là một người mẹ nén đau hiến giác mạc của con có lẽ phần nào hỗ trợ chị trong công việc này?

-Là một người mẹ đã mất đi con mình và đồng ý hiến tặng một phần cơ thể của con, tôi có thể thấu hiểu nỗi đau của các gia đình đang trong thời khắc vô cùng khó khăn đó.

Cùng đi qua nỗi đau, tôi hiểu mình nên làm thế nào để chia sẻ và an ủi họ. Nhớ lại bản thân mình lúc đó, điều cần nhất cũng chính là sự đồng cảm.

Tôi thường kể cho các gia đình nghe câu chuyện của Hải An, của chính mình. Dù là người mẹ mất con, người vợ mất chồng hay người con mất cha… họ ít nhiều cũng tìm thấy chính câu chuyện của mình trong đó.

Dần dần, tôi nhận thấy sự thay đổi trong nhận thức của mọi người, từ ánh mắt nghi ngờ ban đầu đã trở thành sự đồng cảm và ủng hộ.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 13
Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 15

 Chị từng chia sẻ rằng, mình nhận được cuộc điện thoại của một người mẹ kể rằng con trai của họ đã được cứu sống nhờ câu chuyện của Hải An. Cảm xúc lúc đó như thế nào?

-Tôi vẫn nhớ như in ngày mình nhận được cuộc gọi khi tham gia chương trình WeChoice (2018).

Lúc lắng nghe câu chuyện của người mẹ đó, tôi cảm nhận được đôi bàn tay mình run lên, tim đập thình thịch. Thực sự lúc đó trong tôi có 2 thái cực.

Đó là cảm giác như ai đang bóp nghẹt quả tim khi những kỷ niệm về con lại ngập tràn tâm trí và sự dằn vặt về hai từ "giá như".

Nhưng cùng với đó lại là niềm hạnh phúc vô bờ bến, khi người mẹ đó nói rằng, nhờ câu chuyện của Hải An mà con trai của họ đang bị bệnh được một người tốt gọi điện và muốn giúp đỡ hiến tạng.

Sau này, chị ấy gọi lại cho tôi một lần nữa, chúng tôi trò chuyện rất lâu. Biết con trai chị có thể đến trường, gặp gỡ bạn bè, học tập, tôi thấy như Hải An có thể được hồi sinh.

Tôi đã khóc rất nhiều sau cuộc gọi đó, nhưng đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và mãn nguyện.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 17

Tôi được biết, sức khỏe của chị không được tốt. Chị đã làm thế nào để cân bằng giữa việc vừa tham gia vận động hiến tạng, vừa chăm sóc bản thân?

- Công tác vận động hiến tạng hiện đang là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi, nhưng tôi cũng hiểu rằng, để có thể tiếp tục công việc này tôi cần chăm sóc bản thân và giữ gìn sức khỏe nhiều hơn.

Tôi đã cố tạo sự cân bằng bằng cách sắp xếp thời gian hợp lý khi kết hợp giữa công việc với những khoảnh khắc dành cho bạn bè, sở thích cá nhân. Thế nhưng thú thực việc này không hề dễ và cần sự đánh đổi.

Số lượng các trường hợp đồng ý hiến tạng tăng lên nhanh trong thời gian gần đây. Đó là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng đi cùng với đó là khối lượng công việc của chúng tôi.

Có nhiều lúc hôm trước vừa xuyên đêm thu nhận giác mạc, hôm sau lại tiếp tục hành trình hàng trăm kilomet thực hiện nhiệm vụ.

Cũng có những lúc tôi cảm thấy quá tải nhưng rồi lại nghĩ đến Hải An, nghĩ tới những gia đình đang chờ đợi cơ hội sống, nghĩ tới đồng nghiệp và bạn bè xung quanh luôn cổ vũ, động viên, tôi lại như được tiếp thêm nguồn năng lượng.

Đến hiện tại, chị thấy sự đánh đổi này xứng đáng chứ?

- Tôi thường hay tự hỏi liệu Hải An có đang mỉm cười tự hào vì mẹ không. Và rồi, như một lời nhắn từ con, tôi luôn cảm nhận rõ rằng mình đang đi đúng đường. Con đường mà Hải An đã khởi đầu bằng sự dũng cảm và yêu thương của một thiên thần nhỏ.

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 19

Một kỷ niệm đáng nhớ trong năm nay làm tôi vui lên rất nhiều, đó là khi tôi gặp một gia đình, con gái của họ đã nhận được giác mạc của người hiến tạng.

Người mẹ nói trong những giọt nước mắt hạnh phúc, nhờ giác mạc được hiến mà con gái có thể nhìn thấy thế giới xung quanh, tiếp tục học tập, tiếp tục trưởng thành và có một cuộc đời mới. Với ánh sáng của một người xa lạ, cô bé đã có thể viết những suy nghĩ của mình thành bài thơ, bài văn.

Tôi nhận ra rằng mọi nỗ lực và khó khăn đều xứng đáng và chính những bệnh nhân được viết tiếp trang mới tươi sáng hơn của cuộc đời đang chữa lành cho tôi.

Trực tiếp tham gia công tác vận động hiến mô, tạng chị cảm nhận như thế nào về sự lan tỏa của nghĩa cử cao đẹp này tại Việt Nam hiện nay?

-Tôi rất xúc động khi chứng kiến sự thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng về vấn đề hiến tạng.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhiều người vẫn còn e ngại, chưa hiểu rõ về việc hiến tạng.

Điển hình như trong quá trình công tác tôi nhận thấy có rất nhiều người hiểu lầm, khi tuổi cao không thể đăng ký hiến giác mạc được. 

Mẹ thiên thần Hải An: Tôi thấy con trên những chuyến xe chuyển giao sự sống - 21

Trên thực tế, việc đăng ký hiến giác mạc không có quy định về độ tuổi. Chỉ cách đây vài tuần, chúng tôi đã nhận được tờ đơn đăng ký của một cụ già 92 tuổi. Người cháu gái đã giúp đỡ cụ hoàn thành mong muốn mà từ lâu ấp ủ: Đăng ký hiến giác mạc.

Có thể thời điểm bạn đăng ký hiến tạng, bộ phận bạn muốn hiến còn tốt nhưng thời điểm bạn mất đi, các tạng không còn tốt nữa, chúng tôi cũng không thể lấy đi được.

Nhưng hãy nhớ rằng, việc bạn đăng ký hiến tạng đã là một việc làm rất ý nghĩa. Quan trọng là mình đã có di nguyện hiến tặng một phần cơ thể để trao cho một ai đó cuộc đời mới. Đó mới là điều tuyệt vời.

Mong ước rằng, những người đang chờ đợi cơ hội được hiến tạng sẽ sớm tìm thấy hy vọng và được trao tặng một cuộc sống mới.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

Nội dung: Minh Nhật, Linh Chi

Ảnh: Thành Đông

Video: Khánh Vi

Thiết kế: Patrick Nguyễn