1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mẹ mất con vì bác sỹ tắc trách

Cùng lúc tại Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng có 2 sản phụ nhập viện. Một trong hai người là con dâu của Giám đốc Trung tâm Y tế này. Đây là lý do khiến sản phụ là dân thường kia bị các y, bác sỹ bỏ quên. Hậu quả là người mẹ kia bị mất con…

Người được chăm sóc, kẻ bơ vơ

 

Sáng 12/9, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng. Bà Vi Thị Hoàn (trú quán tại thôn Làng Càng, xã Hòa Bình, Chi Lăng) vẫn đang ở bệnh viện để chăm sóc sản phụ Phùng Thị Hà (sinh năm 1987).

 

Bà kể: Tối 8/9, chị Hà đau đẻ được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng. Khoảng 21h30, chị được các y, bác sĩ đưa sang nằm ở bàn đẻ. Sau đó chừng một tiếng thì có thêm sản phụ Đặng Kim Cúc (con dâu của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng) vào phòng sản, lên bàn đẻ.

 

Từ đó, các y, bác sĩ ra vào thăm khám sản phụ Cúc rất đông, Giám đốc Trung tâm Y tế Huyện Chi Lăng cũng vào xem xét, động viên con dâu… Cũng từ đó chị Hà không được ai để ý nữa.

 

Bà Vi Thị Hoàn ấm ức: “Con dâu tôi kêu đau suốt 4 tiếng đồng hồ trên bàn mà bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương (người được phân công theo dõi sản phụ Hà) vẫn ngồi trên chiếc ghế cách đó chừng 3 mét. Khi sản phụ Cúc chuẩn bị đẻ thì tất cả các y bác sĩ có mặt trong phòng đều xúm lại chăm nom...”.

 

Thấy vậy, bà Hoàng Thị May (mẹ đẻ sản phụ Hà) đẩy cửa bước vào để động viên con thì bị bác sĩ Hương trừng mắt nói: “Bà có đỡ đẻ được không mà vào? Bà ra ngoài ngay…”.

 

Khoảng 12h đêm con dâu Giám đốc đẻ xong, mọi người mới quay lại “để ý” đến sản phụ Hà. Tầm 1h45 ngày 9/9 bằng biện pháp “cổ truyền”, bác sĩ Hương ấn bụng sản phụ Hà, một thai nhi nam nặng chừng 3kg ra khỏi bụng mẹ. Nhưng cháu đã chết.

 

Ai phải chịu trách nhiệm?

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Duy Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của con chị Hà là “do thế của thai nhi không thuận” và chị Hà sức khỏe yếu, không có sức để… đẻ. Bệnh viện đã cố gắng hết sức nhưng sự việc đáng buồn vẫn xảy ra.

 

Khi phóng viên chất vấn, nếu sản phụ không có sức thì phải tiến hành mổ đẻ hoặc chuyển lên tuyến trên thì ông Hùng cho rằng: Vì thai nhi chuẩn bị “xổ” nên không thể tiến hành chỉ định mổ được và càng không thể chuyển lên tuyến trên.

 

Ông Hùng còn cho biết, khi sự việc xảy ra lãnh đạo bệnh viện đã gọi bác sỹ Hương lên hỏi sự việc, còn yêu cầu làm bản tường trình thì chưa. Bệnh viện cũng chưa “kiểm thảo tử vong” bởi theo lý luận của ông Hùng thì bệnh viện chỉ làm việc đó đối với người lớn, còn với trẻ sơ sinh thì chưa làm bao giờ.

 

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương thừa nhận bản thân cũng có lỗi do chuyên môn còn… yếu và chưa có bằng chuyên khoa về sản, vừa làm vừa học tại khoa. Bà Hương xác nhận hôm sản phụ Hà nằm trên bàn thì bản thân có ngồi ghế để theo dõi, còn công việc đỡ đẻ do nữ hộ sinh Nhiệm phụ trách.

 

Bà Vi Thị Hoàn quả quyết rằng con dâu bà hoàn toàn khỏe mạnh, thai nhi khỏe, đủ tháng. Nếu các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng có trách nhiệm, tích cực, nhạy bén trong xử lý thì sản nhi không chết oan như vậy.

 

Bà Hoàn cho biết sẽ gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đề nghị làm sáng tỏ vấn đề. Tiền phong sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh những diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

 

Theo Nguyễn Duy Chiến

Tiền phong