Máy sấy tay và đèn cực tím không diệt được virus corona

(Dân trí) - Máy sấy tay và đèn cực tím không diệt được virus corona mới (Covid-19), Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Nhằm xóa bỏ 10 trong số những hiểu lầm lớn nhất xung quanh dịch Covid-19 đang diễn ra, WHO cũng cho biết ăn tỏi không có tác dụng bảo vệ.

Mặc dù một số cách “chữa” này là vô thưởng vô phạt, nhưng một số khác có khả năng gây nguy hiểm, như uống thuốc tẩy hoặc phun rượu vào người.

Nhiều tin đồn thất thiệt đang lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng, và các cơ quan chức năng đang cố gắng truy tìm những kẻ tung tin đồn nhảm.

Một chuyên gia người Anh đã cảnh báo rằng sự truyền bá thông tin sai lệch và thuyết âm mưu có thể gây ra nhiều ca bệnh hơn.

Giáo sư Paul Hunter, Trường Y Đại học East Anglia (UEA), cho biết thông tin sai lệch dẫn đến những lời khuyên không đúng và khiến người dân “gặp nguy cơ lớn hơn” trong các cuộc khủng hoảng y tế.

Máy sấy tay và đèn cực tím không diệt được virus corona - 1

Máy sấy tay, đèn cực tím không diệt được virus corona, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết

Sau đây là những thông tin xác thực đã được WHO khẳng định:

1. Máy sấy tay không diệt được virus corona

Máy sấy tay đơn thuần không thể tiêu diệt được virus corona.

Có tin đồn rằng không khí nóng từ máy sấy tay trong 30 giây sẽ loại bỏ mọi dấu vết của virus trên tay. Tuy nhiên điều này là không đúng

Trên hết, mọi người nên tập trung vào việc rửa sạch tay.

“Để bảo vệ bản thân trước virus coronavirus mới, bạn nên thường xuyên làm sạch tay bằng cách xoa tay bằng cồn hoặc rửa tay bằng xà phòng và nước”, WHO cho biết.

“Sau khi đã rửa sạch tay, nên lau khô bằng khăn giấy hoặc máy sấy không khí ấm”.

2. Đèn cực tím không thể sát trùng da

Đèn cực tím, chiếu tia cực tím vào da, sẽ không sát trùng được da.

Hơn nữa, chúng còn có thể gây kích ứng da, WHO cảnh báo.

Về lâu dài, bức xạ cực tím có thể làm tổn thương AND trong các tế bào, từ đó dẫn đến ung thư. Vì lý do này các chuyên gia khuyên không sử dụng giường tắm đèn.

Các bệnh viện và phòng thí nghiệm thường sử dụng tia cực tím để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng không bao giờ sử dụng nó xung quanh người.

3. Ăn tỏi không có tác dụng bảo vệ

Tỏi là một loại thực phẩm lành mạnh có một số đặc tính chống vi trùng, WHO cho biết.

Tuy nhiên, không có bằng chứng từ vụ dịch hiện này cho thấy ăn tỏi giúp bảo vệ chống lại virus corona mới.

Một bài đăng trên mạng đã được chia sẻ rộng rãi sau khi tuyên bố một bát nước sắc tỏi có thể chữa được Covid-19.

Sau đó, Facebook đã chặn bài đăng này vì “thông tin không chính xác”.

4. Dầu vừng (dầu mè) không ngăn được virus corona xâm nhập vào cơ thể

Dầu vừng được sử dụng phổ biến trong các món ăn châu Á. Nhưng đó là tất cả công dụng của nó.

Trái với những tin đồn, việc xoa dầu vừng lên da không ngăn được virus coronas xâm nhập vào cơ thể.

Lý do là lây truyền xảy ra khi một người nhiễm bệnh hắt hơi, và những giọt nước bắn ra vào miệng hoặc mũi của người khác, hoặc người khác hít phải những giọt này trong không khí.

Tiếp xúc gần với người bị nhiễm cũng làm tăng nguy cơ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, lây lan từ người sang người có thể xảy ra ở khoảng cách 2m.

5. Phun cồn hoặc clo lên người không “tẩy” được virus

Khi COVID-19 có trong cỏ thể, việc phun các chất như cồn và clo lên da sẽ không có tác dụng.

Hiện vẫn chưa rõ liệu một người có thể nhiễm COVID-19 do chạm vào bề mặt hoặc vật có virus trên đó và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình hay không.

Nhưng nhìn chung, có một số chất khử trùng hóa học mạnh có thể tiêu diệt virus corona trên bề mặt, theo WHO. Chúng bao gồm thuốc tẩy và thuốc khử trùng có clo.

Những chất này không nên sử dụng trên da, vì có thể nguy hiểm. Nó cũng không được khuyến khích để hít.

Chúng có thể gây hại cho niêm mạc. “Hãy lưu ý rằng cả rượu và clo đều có thể hữu ích để khử trùng bề mặt, nhưng chúng cần được sử dụng theo các khuyến nghị thích hợp”, WHO nói.

6. Máy quét nhiệt không phải lúc nào cũng phát hiện được người nhiễm

Máy quét nhiệt đang được sử dụng trên toàn thế giới tại các sân bay và nhà ga. Chúng có thể phát hiện những người bị sốt - nhiệt độ cao hơn bình thường.

“Tuy nhiên, chúng không thể phát hiện được những người bị nhiễm nhưng chưa bị sốt”, WHO cho biết.

Phải mất hai đến mười ngày từ khi bị nhiễm đến khi sốt. Ở một số người, thời gian này là 14 ngày.

Khách du lịch có thể không được phát hiện bằng các phương pháp quét. Điều đó nghĩa là họ có thể vô tình tiếp tục truyền Covid-19 cho người khác mà không có triệu chứng.

7. Bưu phẩm hoặc hàng hóa từ Trung Quốc không mang coronavirus

Việc nhận các gói hàng từ Trung Quốc là an toàn, WHO cho biết. Phân tích cho thấy virus corona không tồn tại quá lâu trên các đồ vật - đặc biệt là bay giữa các quốc gia.

Khi thế giới đối mặt với những ngày đầu bùng phát, mọi người đã đặt câu hỏi chính xác làm thế nào COVID-19 lây lan và liệu nó có thể đến qua bửu phẩm hay không.

Chưa có gì cho thấy mối lo ngại này là có cơ sở.

8. Vật nuôi không thể bị bệnh do virus corona

COVID-19 được hiểu là lây sang người từ động vật tại một chợ thực phẩm ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy vật nuôi có thể bị nhiễm virus corona.

9. Vắc-xin chống viêm phổi không bảo vệ chống lại Covid - 19

Vắc-xin cho COVID-19 vẫn đang được chế tạo và khó có thể hoàn thành kịp thời để ngăn chặn vụ dịch hiện nay.

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển một loại thuốc với sự hỗ trợ của WHO.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Đại học Baylor ở Waco, Texas cho biết đang nghiên cứu vắc-xin dựa trên những gì đã biết về virus corona nói chung, sử dụng thông tin từ dịch SARS.

Nhưng công trình này có thể mất một năm hoặc hơn nữa.

Giáo sư Robin Shattock, một chuyên gia về nhiễm trùng, thuộc Đại học Hoàng gia London, tiết lộ kế hoạch nhóm của ông sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm vắc-xin thử nghiệm trên động vật.

Vắc-xin viêm phổi, bao gồm vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm B (Hib) sẽ không có tác dụng với COVID-19.

10. Xịt mũi nước muối không có tác dụng bảo vệ

Không có bằng chứng cho thấy việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối bảo vệ được mọi người khỏi bị nhiễm virus corona mới, WHO cho biết.

Một số bằng chứng gợi ý rằng biện pháp này có thể giúp mọi người phục hồi nhanh hơn khi bị cảm lạnh thông thường do các tế bào trong cơ thể sử dụng clo trong muối để tạo ra axit hypochlorous (HOCI) là thành phần hoạt chất có trong thuốc tẩy.

Nhưng không có gì ủng hộ phương pháp này chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, kể cả COVID-19.

11. Nước súc miệng không có tác dụng bảo vệ

Nước súc miệng không thể bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm coronavirus mới.

Một số nhãn hiệu hoặc nước súc miệng có thể loại bỏ một số vi khuẩn nhất định trong vài phút trong nước bọt.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng bảo vệ bạn khỏi COVID-19”, WHO nói.

12. Trẻ em cũng có thể nhiễm Covid-19

James Adlam, 8 tháng tuổi, có “tất cả các triệu chứng” liên quan đến virus, bao gồm sốt, ho, sổ mũi và rất mệt mỏi, theo Stephanie Adlam, mẹ của bé.

Cô nói rằng gia đình “đã rất lo sợ” vì chị gái 4 tuổi của James cũng có thể đã bị phơi nhiễm.

Bé James, bị bệnh máu khó đông và bệnh phổi từ dài, hiện đang phải cách ly tại nhà.

Bé đã được điều trị vết thương ở chân bởi một bác sĩ sau đó được xác nhận là có virus.

13. Kháng sinh sẽ không điều trị được Covid-19

COVID-19 là một virus và do đó, không nên sử dụng kháng sinh như một biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống nhiễm trùng do vi khuẩn.

“Nếu bạn nhập viện để điều trị COVID-19, bạn có thể được dùng kháng sinh vì có khả năng đồng nhiễm vi khuẩn”, WHO cho biết.

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu được khuyến nghị để ngăn ngừa hoặc điều trị virus corona mới.

Điều này không phải là kì lạ; các virus coronas khác như cảm lạnh thông thường cũng không có “thuốc chữa”, và những người mắc phải chờ bệnh tự khỏi.

Điều trị là để làm giảm và điều trị các triệu chứng, và những người bị bệnh nặng cần được nhận sự chăm sóc tốt nhất hiện có, WHO kêu gọi.

Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được nghiên cứu điều tra, và sẽ được thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng.

Cẩm Tú

Theo DM