1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Máu hiến tình nguyện, vì sao người bệnh vẫn phải trả phí?

(Dân trí) - Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chi phí một đơn vị máu hiện tại được BHYT chi trả 700 nghìn đồng, trong khi một đơn vị máu từ khi lấy máu, xử lý, truyền cho người bệnh, chi phí thực là 2 triệu đồng.

Sáng 17/1, tại buổi họp báo Chủ Nhật đỏ lần thứ 10 do Báo Tiền Phong phối hợp với các đơn vị tổ chức, TS Khánh cho biết, với người bệnh, máu là một chế phẩm đặc biệt cần trong điều trị và lúc nào cũng trong tình trạng thiếu.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Thời gian gần đây, có sự vào cuộc của cộng đồng, lượng máu hiến tình nguyện đang tăng lên. Thay vì chỉ 30 – 50 đơn vị mỗi ngày, nay đã nhận được 300 – 500 đơn vị máu.

“Đây là một điều rất quý báu với người bệnh, với bác sĩ bởi nguồn máu hiến tình nguyện trong cộng đồng đang gia tăng. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ người hiến chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên. Chúng tôi mong muốn sẽ ngày có nhiều các đối tượng khác nhau trong xã hội tham gia hiến máu. Vì thế, việc hiến máu không chỉ được thực hiện tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ mà sẽ xây dựng thêm nhiều điểm hiến máu di động, trong bất cứ thời gian nào để người dân có điều kiện đi hiến máu bất cứ lúc nào”, TS Khánh nói.

Tiến tới, cần chăm sóc người hiến máu như khách hàng, để đưa tỉ lệ người hiến máu nhắc lại tăng lên. Nếu một người hiến máu nhắc lại một lần mỗi năm thì sẽ giảm tình trạng khan hiếm máu, góp phần đảm bảo tính bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện.

Liên quan đến chi phí truyền máu, TS Khánh giải thích thêm, một đơn vị máu tươi không thể lấy rồi truyền trực tiếp ngay cho người bệnh mà cần rất nhiều khâu đi kèm và kéo theo đó là chi phí. Không tính chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng,Vì một đơn vị máu hiến cần một bộ 4 bịch chứa máu/người hiến (với chi phí ít nhất 20 USD); Chi phí xét nghiệm phân tử sàng lọc HIV ít nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu để giúp rút ngắn thời gian cửa sổ từ 24-30 ngày xuống còn 7 ngày để tăng an toàn truyền máu; Các chi phí xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HPV...

Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hòa hợp trước khi truyền máu...

Ngoài ra còn các chi phí liên quan đến vận động hiến máu là một khoản rất lớn; chi phí quà, suất ăn, đi lại cho người hiến với tổng gần 250.000 đồng. Nếu cộng vào tất cả thì 1 bịch máu đến tay bệnh nhân lên tới hơn 2 triệu đồng, nhưng hiện BHYT và người bệnh chỉ phải trả khoảng 700.000 đồng.

Vì thế, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì người bệnh vẫn phải trả một phần chi phí cho truyền máu. Đối với những bệnh có bảo hiểm y tế, bảo hiểm sẽ chi trả theo bảo hiểm, còn đối với những bệnh nhân thuộc diện nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được nhà nước chi trả toàn bộ.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm clip về quy trình, chi phí thực hiện việc lấy máu, các công đoạn với cụ thể số tiền phải chi trả cho từng công đoạn để mọi người có cái nhìn rõ, hiểu nhất”, TS Khánh thông tin.

Thiếu máu trầm trọng dịp Tết

TS Khánh cho biết thêm, trong năm 2017, cả nước tiếp nhận khoảng trên 1,4 triệu đơn vị máu. Tuy nhiên, hiện máu đang rất cần và còn rất thiếu cho điều trị, đặc biệt là vào dịp Tết âm lịch tới đây. Ngay tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, từ nay đến tháng 3 cần khoảng 60.000 đơn vị trong đó, cần 30.000 đơn vị nhóm máu O. Tuy nhiên, Viện mới chỉ dự kiến tiếp nhận được 50.000 đơn vị máu (thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu so với nhu cầu). Dự tính cả nước trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán cần khoảng 320.000 đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị và dự trữ tại các bệnh viện.

Người dân tham gia hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: H.Hải
Người dân tham gia hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: H.Hải

Hiện Viện đang phối hợp với Hội chữ thập đỏ Hà Nội xây dựng ít nhất 2-3 điểm hiến máu cố định, viện sẽ cử cán bộ đến làm việc thường xuyên để mọi người dân có thể hiến máu thuận lợi nhất kể cả đêm, ngày.

Những chương trình như Ngày chủ Nhật đỏ cũng vô cùng ý nghĩa, thúc đẩy cộng đồng tham gia hiến máu, với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp hàng trăm người tham gia vào những thời điểm hiếm máu.

Theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, trong suốt những năm qua, báo Tiền Phong cùng các đơn vị phối hợp tổ chức đã kiên trì, bền bỉ vận động, tổ chức làm Chủ Nhật Đỏ ngày càng lớn mạnh, đặc biệt trong 5 năm cuối đây. Trong 4 năm đầu tiên (2009 – 2012), Chủ Nhật Đỏ chỉ được tổ chức ở Hà Nội và đạt nhiều nhất là 1.500 đơn vị máu.

Từ 2013, báo Tiền Phong đã mở rộng “Chủ Nhật Đỏ” ra các tỉnh, thành phố khác, vận động hệ thống Đoàn, Hội vào cuộc, nhanh chóng đưa ngày hội lớn mạnh lần lượt đi những bước dài vượt qua các mốc 10.000, 15.000, 20.000 đơn vị máu vận động mỗi năm. Đến Chủ Nhật Đỏ lần thứ 9 /2017, số lượng máu tiếp nhận đã lên đến gần 32.000 đơn vị.ngày Chủ Nhật Đỏ năm 2018 kéo dài từ giữa tháng 12-2017 đến hết tháng 1/2018 tại 31 tỉnh thành, dự kiến thu được khoảng 35.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị dịp trước và trong Tết nguyên đán.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm