Mất hơn nửa tỷ đồng vì chủ quan với tình trạng sốt
(Dân trí) - Sau nhiều ngày sốt cao, tự uống thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm, nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ xác định, bệnh nhân bị suy đa tạng, biến chứng viêm cơ tim do sốt xuất huyết phải chạy tuần hoàn ngoài cơ thể chi phí rất tốn kém.
Mất cả “núi tiền” vì… sốt xuất huyết
Ngày 1/6, khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cho trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Đ. (22 tuổi, ngụ tại Tây Ninh). Ngày 27/5, bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết. Sau thăm khám, xét nghiệm kiểm tra bác sĩ xác định bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch nên tiến hành hội chẩn liên viện, chuyển người bệnh qua Chợ Rẫy.
Khai thác bệnh sử từ phía gia đình được biết, trước khi nhập viện khoảng 7 ngày Ngọc Đ. có biểu hiện sốt, than mệt. Gia đình ra hiệu thuốc tây gần nhà khai bệnh và được cho thuốc điều trị nhưng tình trạng sốt chỉ giảm khi dùng thốc, sau đó những cơn sốt tăng cao kèm theo đau đầu. Thay vì đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, bệnh nhân tiếp tục mua thuốc uống.
Sang ngày thứ 5 của bệnh, những cơn sốt có dấu hiệu suy giảm, bệnh nhân tỉnh táo nhưng đến ngày thứ 7 từ sau khi bị sốt, Ngọc Đ. rơi vào lơ mơ, nói sảng, sốt… gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu thì ngay lập tức được bác sĩ chuyển lên TPHCM với tiên lượng nặng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm cơ tim, sốc tim, viêm phổi, suy đa cơ quan do biến chứng sốt xuất huyết. Khi vào viện, bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở, các bác sĩ đã phải hồi sức tích cực đồng thời chỉ định thực hiện kỹ thuật ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bệnh nhân. Sau 3 ngày chạy ECMO kết hợp điều trị hồi sức tích cực, tri giác của bệnh nhân dần cải thiện, tuy nhiên tiên lượng còn dè dặt.
Bệnh nhân Ngọc Đ. không có bảo hiểm y tế nên gia đình phải tự chi trả toàn bộ viện phí trong quá trình điều trị. Sau khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới “lắc đầu” thì ECMO là giải pháp cuối cùng nuôi hi vọng giúp bệnh nhân qua được nguy kịch. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này chi phí rất tốn kém, sau 3 ngày chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đã phải chi gần 300 triệu đồng cho việc chạy chữa. Nếu diễn tiến khả quan, bệnh nhân còn phải điều trị thêm 7 đến 10 ngày nữa, với chi phí mỗi ngày 30 triệu đồng.
Sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm, không nên chủ quan
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Sốt xuất huyết đang lưu hành trên cả nước, người dân từ thành thị đến nông thôn đều đối mặt với nguy cơ bị bệnh tấn công. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng bệnh nhân
Từ đầu năm đến nay, khu vực các tỉnh phía Nam đang có số ca bệnh sốt xuất huyết ở mức cao. Bệnh có thể lây lan theo di dân, đô thị hóa và gia tăng theo biến đổi khí hậu. Dự báo, khi thời tiết chuyển sang mùa mưa sẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển mạnh. Trong bối cảnh số ca sốt xuất huyết đang ở mức cao việc phòng bệnh trở nên khó khăn sẽ khiến cộng đồng đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt. Cùng với tình trạng sốt khó hạ, bệnh nhân bị đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban. Nhưng trường hợp bệnh diễn tiến nặng sẽ có chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Người bệnh bị đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).
Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời người bệnh có thể rơi vào những biến chứng viêm cơ tim, suy đa cơ quan nguy cơ tử vong rất cao. Để tránh nguy hiểm xảy ra, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc uống các loại thuốc không rõ loại. Người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị sớm.
Chủ động diệt muỗi để tránh sốt xuất huyết
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) đẻ trứng, sinh sản trong môi trường nước sạch ở các vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước trong nhà hoặc xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.
Phòng bệnh là giải pháp rẻ tiền nhưng đặc biệt hiệu quả để tránh nguy cơ mắc sốt xuất huyết
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng những giải pháp, đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chữa nước không dùng tới; thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Cộng đồng cần chủ động phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Vân Sơn