Mất an toàn thực phẩm đã trở thành ‘quốc nạn’
Tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện “rất nghiêmtrọng” và đang trở thành "quốc nạn".
Khi doanh nghiệp phớt lờ quy định pháp luật Lo ngại ngộ độc thực phẩm trong trường học Sẽ thành lập nhiều đoàn thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ví nguy cơ mất an toàn thực phẩm là “quốc nạn” và kiến nghị cần phải tập trung giải quyết ngay khi trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII vào sáng nay, 21-3.
“Cử tri lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước” - ông Nhân nói. Theo ông Nhân, mặc dù thời gian qua nhiều cơ quan chức năng nhà nước đã vào cuộc thanh kiểm tra, tuy nhiên tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn “rất nghiêm trọng”.
Báo cáo của UBTWMTTQ VN dẫn chứng thêm: Tính từ 17-12-2015 đến 16-2-2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 784 người bị ngộ độc, trong đó một trường hợp tử vong. Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra 20 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với kết quả 80% số cơ sở phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, ông Nhân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt trong kiến nghị gửi tới Quốc hội, ông Nhân nhấn mạnh vấn đề mất an toàn thực phẩm thực sự đang là “quốc nạn”, cần phải được tập trung giải quyết.
“Về “quốc nạn” mất an toàn thực phẩm như phản ánh và bức xúc của cử tri và nhân dân đã nêu, với trách nhiệm của mình, ngay trong năm 2016 này, UBTWMTTQ sẽ phối hợp với Chính phủ xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2021 và huy động toàn bộ hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên từ Trung ương tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chương trình phối hợp nêu trên” - ông Nhân nói.
Theo Trọng Phú
Pháp luật TPHCM