Mảnh xương heo găm vào thành phế quản của người phụ nữ

Hoài Sơn

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân ở Quảng Ngãi vừa được các bác sĩ một bệnh viện tại Đà Nẵng thực hiện nội soi phế quản, lấy dị vật là một mảnh xương heo dài khoảng 1cm găm vào thành phế quản một nữ bệnh nhân.

Bệnh nhân là bà N.T.M.T. (57 tuổi, trú Quảng Ngãi), nhập viện vì nghi ngờ có dị vật phế quản phổi phải. Bà T. ho, khạc đờm 2 tuần, đã đi khám tại một bệnh viện tư ở Quảng Ngãi, được chụp CT phổi phát hiện xẹp phổi thùy dưới phổi phải, cùng với hình ảnh nghi ngờ dị vật nhánh phế quản S6 phổi phải.

Nữ bệnh nhân cho biết, thỉnh thoảng khi ăn có bị sặc, nhưng triệu chứng hít sặc không rõ.

Mảnh xương heo găm vào thành phế quản của người phụ nữ - 1

Các bác sĩ thực hiện nội soi phế quản gắp dị vật cho bệnh nhân (Ảnh: A Núi).

Ngày 7/8, sau khi xem xét phim chụp của bệnh nhân và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm gây mê, lấy dị vật.

Khoảng 30 phút nội soi, các bác sĩ đã lấy mảnh xương heo dài khoảng 1cm găm vào thành phế quản S6, gây viêm mủ và bít tắc hoàn toàn đường vào thùy dưới phổi phải.

Bệnh nhân được tiếp tục điều trị kháng sinh sau đó và theo dõi tại bệnh viện. Hiện bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Theo bác sĩ, dị vật phế quản là trường hợp dị vật lọt vào sâu trong đường thở do hít sặc. Nếu dị vật lớn có thể gây ra bít các đường thở lớn dẫn đến khó thở, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Dị vật nhỏ có thể tụt sâu hơn vào các nhánh phế quản gây ho, đờm.

Trường hợp không được khám và phát hiện kịp thời, để lâu có thể gây viêm mủ xung quanh dị vật, ho ra máu, nặng hơn có thể gây tràn mủ màng phổi, giãn phế quản, xẹp phổi.

Mảnh xương heo găm vào thành phế quản của người phụ nữ - 2

Dị vật xương heo được gắp ra khỏi phế quản nữ bệnh nhân (Ảnh: A Núi).

Bác sĩ khuyến cáo, để tránh hít sặc gây nguy hiểm người dân cần ăn uống cẩn thận, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa.

Đối với người lớn tuổi hoặc có tiền sử tai biến mạch máu não gây rối loạn nuốt cần được khám, đánh giá nuốt tại các cơ sở y tế uy tín để được hướng dẫn cách ăn thích hợp, tránh hít sặc.

Với các trường hợp nghi ngờ hít sặc, kèm ho, khạc đờm kéo dài, đau ngực chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân cần thăm khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và đánh giá đầy đủ.