Thanh Hóa :
Măng khô có tẩm chất lưu huỳnh?
(Dân trí) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa xuất hiện măng khô tẩm lưu huỳnh trước khi đưa ra thị trường. Các cơ quan chức năng vẫn đang kiểm tra tỉ lệ thành phần lưu lượng lưu huỳnh có trong măng khô được người dân sản xuất bị thu giữ.
Để tìm hiểu việc nhiều hộ dân chế biến măng khô ở Thanh Hóa có sử dụng hóa chất lưu huỳnh trong việc sấy và bảo quản măng khô, PV Dân trí đã trực tiếp đến những cơ sở chế biến măng khô tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân để mục sở thị.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này trên địa bàn xã Xuân Bái, các hộ dân chế biến măng đã không còn hoạt động vì đã hết vụ măng một tháng nay. Một số hộ chế biến măng khô còn sót lại cũng đã ngừng hoạt động. Những hộ dân này cho biết: Ngay sau khi có đoàn thanh tra của Cảnh sát môi trường và Chi cục Quản lí thị trường (QLTT) số 9 Thanh Hóa đến kiểm tra tại hai cơ sở chế biến măng khô của ông Phạm Ngọc Mạnh, thôn 4 và ông Đỗ Mạnh Hiền, thôn Minh Khai 1 thì đã tạm ngừng hoạt động để chờ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng.
Trước đó, vào ngày 18/9, Phòng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) và Chi cục QLTT số 9 đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm quy định về VSATTP, tạm giữ tang vật là 530kg măng khô và 118kg lưu huỳnh không rõ nguồn gốc xuất xứ của hai hộ là ông Đỗ Mạnh Hiền và Phạm Ngọc Mạnh, xã Xuân Bái.
Gia đình ông Hiền và ông Mạnh là hai trong những cơ sở còn sót lại tại địa phương này chế biến măng khô ngoài mùa vụ. Vụ măng chính được bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 7 dương lịch, sang tháng 8 thu mua măng cuối vụ, đến tháng 9 chỉ còn lại một số hộ dân thu mua chế biến “măng mộc” (măng khô).
Trao đổi với chúng tôi về việc măng khô có tẩm hóa chất lưu huỳnh (người dân nơi đây gọi là diêm sinh) khi sấy và bảo quản chống nấm mốc thì những hộ dân này cho biết là có sử dụng một số lượng nhỏ lưu huỳnh không đáng kể để xông khói cho một số lượng măng bị ẩm mốc để khử mùi mốc, sau đó lại đem măng ra phơi lại cho khô chứ không sấy măng cho khô bằng lưu huỳnh.
Ông Phạm Ngọc Mạnh khẳng định rằng: “Không hoàn toàn là sử dụng lưu huỳnh để sấy măng cho khô. Khi thu mua măng mộc về chúng tôi sơ chế, phơi đi phơi lại nhiều lần rồi bọc vào bao bóng. Thời gian vừa qua, do thời tiết mưa lâu ngày nên có một phần nhỏ số lượng măng bị ẩm mốc nên chúng tôi dùng lưu huỳnh xông khói để khử mùi mốc. Những hôm nắng lại mang phơi trở lại thì không có ảnh hưởng gì cả vì chỉ sử dụng một phần lưu huỳnh nhỏ không đáng kể”.
Bà Chanh vợ ông Mạnh cho biết: “Chúng tôi có sử dụng một ít lưu huỳnh để xông khói cho một số lượng măng mộc nhỏ do bị mốc, chúng tôi nghĩ là số lượng nhỏ và không đáng kể nên không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả. Trước khi đoàn thanh tra đến kiểm tra xử lí chúng tôi không hề biết và cũng chưa được báo là sử dụng lưu huỳnh xông khói khử mốc cho măng có hại cho sức khỏe người dùng”.
Gia đình ông Hiền là một trong hai cơ sở chế biến măng mộc mới bị kiểm tra đợt vừa qua. Ông Hiền cho biết, gia đình ông không sử dụng lưu huỳnh để chế biến măng mộc mà hoàn toàn là chế biến măng theo phương pháp thủ công, phơi nắng cho măng khô rồi bọc bao bóng kín lại để bảo quản chứ không có chuyện sấy măng bằng lưu huỳnh trong 24h như người ta nói.
Theo quan sát của chúng tôi thì tại nhà ông Mạnh hiện vẫn còn một số lượng măng mộc. Đây là số măng còn lại không bị thu giữ do kiểm tra không có chất lưu huỳnh. Bà Hà cho hay đây là măng mộc được phơi bằng nắng chứ không có sấy khô, số măng nhà bà bị lập biên bản thu giữ là số lượng nhỏ bị mốc nên có sử dụng lưu huỳnh xông khói khử mùi.
Tại nhà ông Hiền và một số hộ dân khác tại đây cũng đang phơi măng bằng nắng, Măng mộc được mua của người dân thu gom ở các vùng miền núi của các huyện miền trên mang về. Một số lượng khác đưa từ bên Lào sang. Măng mộc về đến đây đều được tước nhỏ hoặc đã phơi một thời gian nắng ngắn cho ráo, về đây các hộ dân này phơi thêm cho khô hẳn rồi đóng bao.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề sử dụng lưu huỳnh để sấy khô và bảo quản măng của một số hộ dân tại địa phương, ông Phạm Ngọc Tới, Phó chủ tịch xã Xuân Bái cho biết: “Thu gom, chế biến măng khô là một nghề mưu sinh của một số hộ dân tại địa phương. Nghề này chỉ hoạt động theo mùa vụ, năm một lần nên không có giấy phép kinh doanh hay danh sách quản lí các hộ chế biến. Việc những người dân chế biến măng khô sử dụng lưu huỳnh là có thật. Nhưng không hoàn toàn là dùng lưu huỳnh để sấy khô măng mà chỉ dùng một lượng nhỏ không đáng kể để xông hơi khử mùi một số lượng măng bị ẩm mốc sau đó đem ra phơi lại”.
Sau khi thu giữ một số lượng lớn măng khô và chất lưu huỳnh của hai cơ sở sản xuất măng khô tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân đến nay cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có kết quả xét nghiệm và phân tích thành phần lưu huỳnh có trong măng khô. Mới đây, vào ngày 23/9, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng của khẩu Quốc tế Na Mèo cùng công an xã Sơn Thủy vừa tạm giữ đối tượng Hà Văn Liêm (trú tại xã Thiên Phú, huyện Quan Sơn) và thu giữ 25 tấn măng tươi đã qua sơ chế, ướp bằng hóa chất lưu huỳnh. Đối tương Liêm khai nhận, sau khi thu mua măng rồi sơ chế bằng hóa chất sẽ đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Măng nhờ cách sơ chế bằng chất lưu huỳnh nên tươi luôn đẹp mắt, đặc biệt có thể để nhiều tháng vẫn không bị úng, hôi thối.
Trước khi có kết luận của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa về việc măng khô chứa chất lưu huỳnh. Các cơ quan chức năng cảnh báo nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi; ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết. Nếu cấp tính, thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực...
Thái Bá - Thùy Tuyên