Mãn kinh có gây trở ngại sinh hoạt tình dục không ?
(Dân trí) - Nhiều phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh than phiền vì không còn "cảm hứng", nhưng số khác đã ngoài 50, thậm chí hơn 60 tuổi vẫn thắc mắc tại sao cơ thể mình luôn có nhu cầu. Vậy, mãn kinh có gây trở ngại sinh hoạt tình dục, làm mất ham muốn tình dục không?
1. Mãn kinh là gì và độ tuổi diễn ra mãn kinh?
Mãn kinh là sự kết thúc vĩnh viễn của kinh nguyệt, khi người phụ nữ không có kinh nguyệt 12 tháng liên tiếp mà không có nguyên nhân rõ rệt. Trong thời kỳ 12 tháng này, người phụ nữ vẫn có khả năng mang thai. Đây là một thời điểm thay đổi, mãn kinh không phải bệnh.Tuổi trung bình: 51 tuổi, thông thường từ 45-55 tuổi. Ở các nước châu Á thường diễn ra sớm hơn. Có thể sớm lúc 40 và có thể muộn lúc 60 tuổi. Nếu có nhiều con thì tuổi mãn kinh muộn hơn.
Tuổi mãn kinh có thể được định trước bởi gen mà không phụ thuộc các yếu tố khác.
2. Các dấu hiệu của tiền mãn kinh và mãn kinh
Mỗi người phụ nữ có biểu hiện khác nhau của tiền mãn kinh với các triệu chứng và cường độ rất khác nhau
- Thay đổi kinh nguyệt: có thể ngắn hơn hay dài hơn, có thể nhiều hoặc ít đi. Cần đến khám khi: ra máu trên 1 tuần, ra máu nhiều, máu cục hay rong kinh, kỳ kinh ngắn lại rõ rệt, ra máu sau giao hợp
- Bốc hỏa. Vã mồ hôi ban đêm gặp trên 75% phụ nữ, cảm giác nóng bừng mặt, ngực và cổ. Vết đỏ tạm thời trên ngực, lưng và cánh tay.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, giấc ngủ sâu (di động nhanh nhãn cầu – REM) ngắn hơn.
- Ức chế và trầm cảm, quên và nhớ.
- Thay đổi tình dục: âm đạo khô và đau, dễ nhiễm trùng và ngứa. Bạch sản âm hộ. Ham muốn thay đổi: có thể ít hơn mà cũng có thể nhiều lên.
- Thay đổi đường tiết niệu: niệu đạo khô, dễ kích thích, đi tiểu đêm, dễ nhiễm trùng bàng quang.
- Da kém đàn hồi, thiếu collagen.
- Nguy cơ bệnh tim mạch và loãng xương. Các thay đổi khác có thể: mệt mỏi, kém trí nhớ, đau cơ và khớp, tăng cân.
- Nội tiết: lúc đầu AMH, Inhibin-B giảm, FSH tăng. Khi mãn kinh thực sự thì Estradiol (E2) mới giảm nhiều. Testosteron giảm
3. Tình dục khi mãn kinh
Thực chất mãn kinh không làm ảnh hưởng quá nhiều đến ham muốn tình dục. Ảnh hưởng lớn nhất là lượng estrogen thấp làm âm đạo khô.
Vì vậy, nhu cầu tình dục là nhu cầu của mọi lứa tuổi và nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ phụ thuộc vào việc mãn kinh hay tuổi tác. Nên chuyện phụ nữ chưa mãn kinh đã hết như cầu hay phụ nữ trên 50, 60 tuổi vẫn có nhu cầu tình dục cao không có gì lạ
Độ tuổi này có thể giảm ham muốn tình dục, hoặc mất thời gian lâu hơn để có khích động tình dục, hoặc mất thời gian lâu hơn để có cực khoái.
Nếu sinh hoạt tình dục thường xuyên khi mãn kinh giúp cho âm đạo giữ được độ co giãn và thực chất, tình dục sau mãn kinh, nhiều cặp vợ chồng lại có tâm lý cảm thấy thoải mái hơn
- Không có nỗi lo của thai nghén
- Có nhiều thời gian hơn cho nhau, khi con đã lớn
4. Cách cải thiện các hoạt động tình dục cho phụ nữ mãn kinh
4.1 Điều chỉnh cuộc sống
Tập luyện (30 phút/ngày), ăn uống, ngủ và giảm căng thẳng.Ăn uống: chế độ ăn ít béo, cholesteron thấp, tăng lượng calci (500 - 1200 mg mỗi ngày cho phụ nữ trên 51 tuổi), vitamin D (800 – 1000 UI mỗi ngày cho sản phụ trên 51 tuổi), tắm nắng (15 phút/ngày).
4.2 Các trợ giúp cho hoạt động tình dục tuổi mãn kinh
- Một số thuốc đang sử dụng trợ giúp cho hoạt động tình dục – Không chứa hormone, dùng tại chỗ, được FDA chấp thuận và bác sĩ sản phụ khoa chỉ định
- Các chất làm tăng nhạy cảm: Gel Zestra, bôi âm vật và môi lớn, tác dụng ngay từ 3-5 phút và kéo dài 45 phút.
- Giữ ẩm cho âm đạo kéo dài: Replens, bôi âm đạo, làm sạch tế bào chết và kích thích tái tạo TB niêm mạc AD, giữ ẩm trong 3 ngày.
- Tăng kích thích tình dục: Gel bôi Vigel, chứa L-Arginine và Peppermint. Làm tăng Nitric Oxide, gây tăng lượng máu tại chỗ.
- Chất bôi trơn hòa tan trong nước: Astroglyde, K-Y Jelly. Không dùng bôi trơn hòa tan trong dầu vì làm hỏng bao cao su.
- Nong và tạo rung
4.3 Sử dụng liệu pháp hormone thay thế
Lợi ích của liệu pháp này
- Làm giảm bốc hỏa, giảm triệu chứng khô âm đạo và các bất thường tiết niệu.
- Giảm nguy cơ loãng xương và ung thư đại tràng
Mặc dù không phải là bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng nhưng khi gặp phải tình trạng rối loạn này, đời sống tình dục của phụ nữ không tránh được sự khó khăn. Hãy đến thăm khám với các bác sĩ phụ khoa để cải thiện tình trạng này
Được viết bởi: TS.BS Nguyễn Công Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City