Mắc ung thư trực tràng nên ăn gì, kiêng gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Để nâng cao thể trạng trong và sau điều trị người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị kèm theo chế độ ăn khoa học là điều vô cùng quan trọng.

Ung thư trực tràng và các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng cơ thể tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Do đó, theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, để nâng cao thể trạng trong và sau điều trị người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị kèm theo chế độ ăn khoa học là điều vô cùng quan trọng.

Nguyên tắc dinh dưỡng chung cho bệnh nhân ung thư trực tràng

Mục đích:

 Hạn chế tác dụng phụ trong quá trình điều trị: buồn nôn, chán ăn, chống nhiễm khuẩn, nhanh lành vết thương,..

 Duy trì cân nặng, tạo cảm giác thoải mái, duy trì sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

ung_thu

Để nâng cao thể trạng trong và sau điều trị người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị kèm theo chế độ ăn khoa học là điều vô cùng quan trọng (Ảnh: ExpatWoman).

Những nguyên tắc cần nhớ:

- Chia thành nhiều bữa, ăn 6-8 bữa/ngày.

 - Chế biến món ăn hợp khẩu vị người bệnh và phù hợp giai đoạn bệnh.

 - Uống đủ nước: 40ml/kg/ngày.

 - Vận động nhẹ: 15-30 phút/ngày tùy thể trạng người bệnh.

-  Ăn đúng: Đúng giai đoạn bệnh, đúng thể trạng người bệnh.

 - Ăn đủ 4 nhóm chất: Đạm, béo, tinh bột, vitamin - khoáng chất.

 - Thực phẩm nên dùng: Nên bổ sung đa dạng và đủ 4 nhóm thực phẩm thiết yếu: Tinh bột, đạm, chất béo, vitamin & khoáng chất.

- Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, mỗi người không nên ăn quá 300g thịt đỏ một tuần. Riêng bệnh nhân ung thư đang hóa trị thì có thể ăn đến 500g/tuần để bổ sung lượng hồng cầu bị mất khi hóa trị.

- Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra trong các loại rau chứa nhiều chất chống oxy hóa, đây là "khắc tinh" của những tiền chất gây ung thư. Do vậy khi ăn thịt đỏ nên dùng kèm với nhiều loại rau có màu sắc khác nhau để gia tăng tối đa hàm lượng chất chống oxy hóa.

- Nên dùng các loại thảo mộc giàu chất chống oxy hóa như sả, gừng, hành, tỏi và dầu ô liu để ướp thịt. Ưu tiên ăn thịt trắng nhiều hơn thịt đỏ, hoặc thay thế một phần đạm động vật bằng đạm thực vật.

- Các loại sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư chứa hàm lượng EPA và hàm lượng đạm cao, ít lactose.

- Chất béo: Bổ sung thực phẩm nhiều omega-3: cá hồi, cá biển, dầu lạc, dầu vừng, dầu mè, quả óc chó, hạt điều...

- Vitamin và khoáng chất: Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, A, C. Những vitamin này có nhiều trong: Cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, rau ngót, rau muống,  rau khoai, rau mồng tơi, quả đậu bắp, cam, bưởi,…

- Nên sử dụng thêm sữa chua, các loại sữa lên men chứa các lợi khuẩn tốt cho cơ thể.

- Thực phẩm hạn chế dùng: Thực phẩm chứa nhiều acid béo no, chứa nhiều chất béo trans, chế biến nhiệt độ cao, chế biến sẵn: Thịt nướng, hun khói, rán, quay, đồ hộp, mì tôm, giò, chả, xúc xích…