Mắc ung thư tinh hoàn sống được bao lâu?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư tinh hoàn là một trong những bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi, đặc biệt trong độ tuổi từ 30 đến 39.

Tuổi chẩn đoán trung bình của bệnh ung thư tinh hoàn là 33. Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ung thư tinh hoàn rất hiếm gặp trước tuổi dậy thì và trở nên phổ biến hơn sau đó. Khoảng 6% trường hợp được chẩn đoán ở trẻ em và thiếu niên. Ước tính có khoảng 8% trường hợp được chẩn đoán ở nam giới từ 56 tuổi trở lên.

Không rõ vì lý do gì, số ca ung thư tinh hoàn đã tăng lên trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại trong thời gian gần đây.

Mắc ung thư tinh hoàn sống được bao lâu? - 1

Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau.

Người ta ước tính rằng sẽ có khoảng 440 ca tử vong vì căn bệnh này trong năm nay. Những trường hợp tử vong này là do ung thư di căn từ tinh hoàn đến các bộ phận khác của cơ thể và không thể điều trị hiệu quả bằng hóa trị, xạ trị và/hoặc phẫu thuật hoặc do các biến chứng từ điều trị.

Theo Cancer.net, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chung của nam giới bị ung thư tinh hoàn là 95%. Điều này có nghĩa là 95 nam giới trong số 100 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.

Tỷ lệ sống sót cao hơn đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn đầu và thấp hơn đối với những người bị ung thư giai đoạn sau. Đối với ung thư tinh hoàn chưa lan ra ngoài tinh hoàn (giai đoạn một), tỷ lệ sống sót là 99%. Khoảng 68% nam giới được chẩn đoán ở giai đoạn này.

Đối với ung thư tinh hoàn đã di căn đến các hạch bạch huyết ở phía sau bụng, được gọi là các hạch bạch huyết sau phúc mạc, tỷ lệ sống sót là 96%. Nhưng điều này phụ thuộc vào kích thước của các hạch bạch huyết bị ung thư.

Đối với ung thư tinh hoàn đã di căn bên ngoài tinh hoàn đến các khu vực ngoài các hạch bạch huyết sau phúc mạc, chẳng hạn như phổi hoặc các cơ quan khác, tỷ lệ sống sót là 73%. Khoảng 12% ung thư tinh hoàn được chẩn đoán ở giai đoạn này.

Dấu hiệu của ung thư tinh hoàn

Dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng sau:

- Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới

- Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu

- Có thể nổi hạch vùng bẹn

- Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng)

- Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn)

Ung thư tinh hoàn phòng ngừa được không?

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn thì chúng ta sẽ loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Trong đó, yếu tố chủng tộc, tiền sử gia đình, ung thư tinh hoàn là không thể thay đổi. Còn với yếu tố nguy cơ tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm tinh hoàn ẩn cho trẻ.

Với đàn ông, cần biết cách tự khám tinh hoàn cho mình để phát hiện tinh hoàn ẩn và thực hiện phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu tránh nguy cơ ung thư tinh hoàn.

Bên cạnh đó, cần có cuộc sống tình dục lành mạnh tránh lây nhiễm HIV. 

Ngoài ra, mọi người nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để nâng cao sức khỏe.