Chàng sinh viên TP HCM 3 lần lên bàn mổ vì ung thư tinh hoàn di căn
(Dân trí) - Nam sinh 19 tuổi phát hiện bị ung thư tinh hoàn khi đã di căn ổ bụng. Dù đã cắt một bên tinh hoàn, điều trị hóa chất song khối u di căn trong ổ bụng ngày càng to lên, không đáp ứng thuốc.
Bệnh nhân là L.K.A. (19 tuổi, ở quận 8, TP.HCM), sinh viên đại học năm thứ nhất. Gia đình cho biết, tháng 3/2020, chàng trai phát hiện bị ung thư tinh hoàn bên trái đã di căn hạch ổ bụng. Cậu đã được phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn tại một bệnh viện ở TP.HCM và truyền hóa chất điều trị. Kết thúc 4 đợt truyền thuốc, khối u di căn trong bụng ngày càng to, chiếm hết ổ bụng, chèn ép thận bên trái gây mất chức năng.
Tháng 2/2021, bệnh nhân tiếp tục nhập viện điều trị ung thư và được phẫu thuật thêm một lần nữa, nhưng chỉ được lấy một phần u để chẩn đoán. Theo kết quả của bệnh viện, do hóa chất không tác dụng, khối u kích thước quá lớn và bao bọc xung quanh động mạch chủ bụng, nếu phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, bệnh nhân được khuyên chấp nhận bệnh, tránh can thiệp, vì sẽ gây đau đớn nhưng không mang lại kết quả, thậm chí có thể tử vong nhanh.
Với hy vọng "còn nước còn tát", qua tìm hiểu, bệnh nhân và gia đình quyết định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vì từng phẫu thuật thành công cho nhiều trường hợp có khối u kích thước lớn, cấu trúc phức tạp.
Sau khi liên lạc với bác sĩ, ngày 4/4, bệnh nhân quyết định bay ra Quảng Ninh.
Bệnh nhân nhanh chóng được nhập viện, chụp cắt lớp toàn thân, nội soi tiêu hóa cũng như làm các xét nghiệm để đánh giá giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại. Tham khảo kết quả và hướng điều trị của các bệnh viện trong TP.HCM, các bác sĩ tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa ngày 5/4.
Bệnh nhân A có khối u to chiếm gần hết ổ bụng, khối cứng chắc không di động được. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, u gồm nhiều khối hỗn hợp đặc và lỏng dính với nhau, bao bọc xung quanh động mạch, tĩnh mạch chủ bụng và các động mạch vùng chậu. Khối u kích thước lớn 20 x 30cm chèn ép và xâm lấn vào thận trái gây mất chức năng. Các kết quả xét nghiệm trước đó cho thấy, đây là khối di căn của ung thư.
Các trường hợp ung thư tinh hoàn đã phẫu thuật và hóa chất, thường kết quả điều trị khá tốt và khỏi lâu dài do tỷ lệ đáp ứng hóa chất cao. Tuy nhiên, khối di căn trong bụng của bệnh nhân lại không đáp ứng thuốc và cần phải phẫu thuật lấy bỏ. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bóc tách toàn bộ khối u hạch trong ổ bụng cùng thận trái, vét các hạch xung quanh động mạch và tĩnh mạch chủ, chuẩn bị mọi phương án dự phòng máu, sẵn sàng thay đoạn mạch chủ chậu nhân tạo trong trường hợp buộc cắt bỏ nếu không thể bóc tách, sau đó sẽ truyền hóa chất phác đồ cao hơn sớm nhất có thể.
Đây là phẫu thuật rất khó khăn và rủi ro cao bởi bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Sau khi tư vấn kỹ càng, gia đình bệnh nhân đồng ý phẫu thuật và chấp nhận mọi nguy cơ với mong muốn được điều trị.
Ngày 6/4, kíp mổ do Ths.Bs Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh mổ chính, cùng bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức, Ung bướu, Tiết niệu, Tiêu hóa thực hiện phẫu thuật. Một khối u rắn chắc, nhiều mạch máu tăng sinh, chiếm hết phần sau của bụng đẩy các cơ quan khác ra trước. Các phẫu thuật viên đã phải đưa toàn bộ ruột ra ngoài ổ bụng để tạo một phẫu trường đủ rộng, tiến hành phẫu tích động mạch chủ bụng, tĩnh mạch chủ bụng và các động mạch chậu ra khỏi khối u.
Toàn bộ khối u, thận trái cùng các hạch đã được kíp mổ cắt bỏ một cách tỉ mỉ và cầm máu kỹ càng. Bệnh nhân được truyền bổ sung một lít máu trong quá trình phẫu thuật.
Sau gần 8 giờ gây mê hồi sức và phẫu thuật căng thẳng, ca mổ thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe hồi phục nhanh, tiếp tục được theo dõi điều trị.
Ths.Bs Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, phụ trách chính kíp phẫu thuật cho biết đây là ca mổ có tính chất quyết định, nếu không cắt trọn vẹn u thì lần điều trị coi như thất bại do khối u chưa chắc đã đáp ứng với hóa chất sau mổ. Vì thế, các bác sĩ chủ trương mở thật rộng rãi, tìm các mạch chủ trước để phẫu tích riêng và bảo tồn, các mạch vào khối u được thắt trước khi cắt u và cuối cùng mới là gỡ u ra khỏi thành bụng. Nhờ vậy đã hạn chế được mất máu cũng như sự lan tràn của tế bào ung thư trong quá trình mổ.
"Đây là một trong những trường hợp phức tạp nhất mà chúng tôi đã phẫu thuật thành công nhờ quá trình chuẩn bị trước mổ kỹ càng, cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng với kíp gây mê hồi sức, đảm bảo bệnh nhân ổn định về huyết động, giúp phẫu thuật viên yên tâm xử trí không gặp bất cứ vấn đề gì trong suốt thời gian ca mổ diễn ra", Bs Hùng nói.