Lưu ý quan trọng với người mắc bệnh nền trong bữa ăn ngày Tết
(Dân trí) - Cân bằng dinh dưỡng trong ngày Tết là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi những món giàu năng lượng như nem rán, bánh chưng, giò chả gần như không thể kiêng hoàn toàn.
Những "đặc sản Tết" người mắc bệnh nền cần đặc biệt lưu ý
Nem rán, bánh chưng, giò, chả… là những món ngon khó có thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, vì là những món giàu năng lượng, chất béo nên cần có sự kiểm soát khi ăn, đặc biệt là với những người cao huyết áp, tiểu đường.
Theo TS Chu Thị Tuyết, Phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị, mâm cỗ ngày Tết hầu hết đều là các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng. Ngay cả với người bình thường, nếu ăn uống không kiểm soát cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Với những người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận vấn đề này lại càng đáng lưu tâm.
"Hầu hết các bệnh lý đều bị ảnh hưởng lớn bởi chế độ ăn uống không lành mạnh. Trong những ngày Tết chúng ta có thể thấy tình trạng ngộ độc hoặc một số bệnh lý khởi phát phải đi cấp cứu rất nhiều. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp người dân không hề biết nó có liên quan đến chế độ dinh dưỡng hay không, mà chỉ đến khi cơn bệnh kịch phát mới nhập viện. Do đó, việc nắm rõ vai trò của vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng trong ngày Tết đặc biệt quan trọng với người có bệnh nền", TS Tuyết phân tích.
TS Tuyết lấy dẫn chứng từ món bánh chưng, thông thường, một chiếc bánh chưng được làm với nguyên liệu là 200g gạo nếp,100g thịt lợn, 50g đậu xanh. Như vậy, một chiếc bánh chưng sẽ cung cấp khoảng từ 1.700 - 2.000 kcal, khi ăn 1/8 chiếc bánh sẽ có năng lượng khoảng từ 200 - 210 kcal.
Một bát cơm trắng cung cấp khoảng 180-200 kcal tương đương với 1/8 chiếc bánh. Nếu trong mỗi bữa ăn ta ăn vừa ăn cơm như thông thường cộng thêm 1/8 miếng bánh hoặc có khi 1/4 chiếc bánh dẫn tới quá dư thừa năng lượng.
Việc nạp một lượng lớn chất béo, chất bột đường vào cơ thể sẽ dễ làm tăng đường huyết, mỡ máu ảnh hưởng không tốt với những người bị đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh tật.
Tăng cường rau xanh cho bữa ăn ngày Tết
Tuy nhiên, theo chuyên gia , việc cân bằng dinh dưỡng trong ngày Tết là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bởi những món giàu năng lượng như nem rán, bánh chưng, giò chả gần như không thể kiêng hoàn toàn, vì đây là những món ăn giúp mang lại hương vị Tết.
"Điều quan trọng là chúng ta phải biết khống chế lượng thực phẩm. Ngoài ra, với những món giàu năng lượng, cần phải biết cách ăn với lượng vừa phải kèm với món rau xanh để làm giảm quá trình hấp thu của lượng calo lớn như vậy. Khi chúng ta ăn 1/8 miếng bánh chưng cần phải giảm một bát cơm, như vậy mới không bị dư thừa năng lượng", TS Tuyết cho hay.
Theo TS Tuyết, các gia đình sửa soạn mâm cỗ ngày Tết thường quên mất phần rau xanh. Trong khi đó, đây là món ăn rất quan trọng để cân bằng dinh dưỡng, cũng như giảm hấp thu calo.
"Khi ăn rau chúng ta sẽ giảm hấp thu chất béo hiệu quả và giảm được lượng đường đưa vào. Rau là thực phẩm có chứa nhiều chất xơ làm giảm cholesterol máu bằng cách làm axit mật đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn do đó lấy đi bớt cholesterol máu. Người mắc bệnh tiểu đường cũng hay có rối loạn mỡ máu gây xơ vữa động mạch vì triglyceride tăng cao. Chất xơ có thể làm giảm triglyceride và mỡ xấu LDL và làm tăng mỡ lành HDL từ đó giảm thiểu nguy cơ các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.
"Chúng tôi khuyến cáo cần phải bổ sung 25g chất xơ mỗi ngày. Trong 100g rau chỉ có khoảng 2-3g chất xơ. Cần phải bổ sung thêm chất xơ hòa tan để khống chế mỡ máu, huyết áp, rối loạn đường trong máu", TS Tuyết phân tích.
Việc bổ sung thêm chất xơ hòa tan giúp cho insulin hoạt động tốt hơn, làm thức ăn xuống ruột chậm hơn, ngăn cản không cho đường hấp thụ vào ruột và làm giảm đường trong máu tới 30%, tránh tình trạng đường máu sau ăn tăng nhanh (ổn định đường huyết). Do vậy bệnh nhân dùng ít thuốc chữa tiểu đường hơn.
Một số thực phẩm giàu chất xơ hòa tan có thể kể đến như: chuối, dâu tây, quả bơ, táo, quả mâm xôi, súp lơ xanh, củ cải đường, yến mạch, khoai lang, hạt lanh, hạt hướng dương…
TS Tuyết cũng lưu ý, khi chế biến rau không nên xào mà nên luộc hoặc chần qua nước sôi để giảm bớt lượng chất béo đưa vào cơ thể.
Bên cạnh việc đưa các thực phẩm vào cơ thể chúng ta cũng phải quan tâm đến lượng bia rượu khi uống vì đây cũng là thủ phạm gây bệnh nặng hơn. Để đảm bảo có sức khỏe tốt, an toàn trong những ngày tết, chúng ta chỉ nên uống 2 đơn vị cồn một ngày, tương đương 350ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh. Trong khi uống rượu, mọi người vẫn phải ăn cơm, đặc biệt nên bổ sung rau xanh.
Theo TS Tuyết, trong chế độ ăn ngày Tết, cần phải ăn điều độ. Khi ăn các món nhiều đường, chất béo cần ăn kèm theo rau và trái cây. Bên cạnh đó, cần kết hợp tập luyện, nếu không có thời gian tập các môn thể thao, đơn giản chỉ cần đi bộ, đạp xe 30 phút- 45 phút/ngày là đủ. Đây là những cách vận động rất hữu ích và ai cũng có thể làm được.
"Ngoài ra, cần cố gắng duy trì nhịp sinh hoạt điều độ. Không đi ngủ hoặc thức dậy quá muộn so với thường ngày. Cùng với đó, không được bỏ bữa sáng, bởi đây là bữa ăn rất quan trọng", TS Tuyết nhấn mạnh.