Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư bàng quang sau điều trị
(Dân trí) - Ung thư bàng quang là bệnh ác tính phổ biến nhất liên quan đến hệ thống tiết niệu.
Trên thế giới ung thư bàng quang là ung thư phổ biến đứng thứ 9 ở cả 2 giới sau ung thư phổi, vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, dạ dày, gan, cổ tử cung. Đàn ông bị ảnh hưởng bởi ung thư biểu mô bàng quang với tỉ lệ cao gấp 3 đến 4 lần so với phụ nữ và có tỉ lệ tử vong cao gấp 3 lần.
Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, việc lựa chọn điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào khối u có xâm lấn vào lớp cơ hay không cũng như phụ thuộc vào giai đoạn bệnh trong chẩn đoán. Điều trị có thể bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau đây: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp giảm nhẹ.
Bơm thuốc nội bàng quang thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng như truyền hóa chất toàn thân. Thường gặp những tác dụng phụ tại chỗ như viêm bàng quang, tiểu máu, tiểu buốt sau bơm…
Trước và sau quá trình điều trị, người nhà cần lưu ý những vấn đề sau trong việc chăm sóc người bệnh:
- Bệnh nhân nhịn tiểu tiện sau bơm hóa chất bàng quang 1- 2 giờ.
- Để thuốc có tác dụng hiệu quả cao thì đối với bệnh nhân, sau bơm bàng quang bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi tại giường và nhịn tiểu 1-2 giờ.
- Bệnh nhân nên uống nhiều nước.
- Sau khi bơm hóa chất bàng quang, hóa chất sẽ làm cho bàng quang của bệnh nhân có thể bị viêm bàng quang, viêm niệu đạo gây chít hẹp niệu đạo dẫn đến bệnh nhân khó tiểu tiện vì thế sau khi bơm hóa chất bàng quang bệnh nhân nên uống 3-4 lít nước một ngày.
- Bệnh nhân nên bổ sung thức ăn giàu năng lượng, giàu đạm, đặc biệt những thức uống có chứa dưỡng chất sữa, nước ép trái cây, nên đa dạng các loại thức ăn để hợp khẩu vị cho người bệnh.
- Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày .
- Tránh các loại thức ăn kích thích như: bia, rượu, thuốc lá ,Hạn chế ăn các loại thức ăn chế biến từ thịt đỏ.
- Sinh hoạt, vận động hàng ngày nhẹ nhàng tránh vận động, làm những việc nặng .
- Sau mổ nếu như vết mổ đã tương đối lành lặn có thể đi lại được, nên giúp người bệnh luyện tập đi bộ nhẹ nhàng tránh ảnh hưởng đến vết thương vì nằm lâu ngày khiến cho cơ bắp người bệnh mệt mỏi, có nhiều vết tì đè gây nên lở loét. Do vậy việc đi ra khỏi giường là hết sức quan trọng để hồi phục lại sức khỏe cho họ.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường: sốt, rối loạn tiểu tiện (tiểu buốt, tiểu rắt, bí tiểu, tiểu ra máu …).