Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc trị viêm gan B mạn tính
Hiện nay chưa có thuốc nào điều trị dứt điểm viêm gan B. Việc sử dụng thuốc giúp ngăn chặn sự nhân lên của virus và/hoặc giúp tái tạo một phần, giảm thiểu sự phá hoại của virus và cải thiện các triệu chứng bệnh lý trên gan.
Cho tới thời điểm hiện tại viêm gan B mạn vẫn là bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu ra nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị có hiệu quả cao.
Mục tiêu điều trị ngắn hạn viêm gan B mạn là bình thường hóa men gan (ALT); chuyển đổi huyết thanh HBeAg, HbsAg; ức chế sao chép của HBV (HBV-DNA dưới ngưỡng); giảm tình trạng viêm và xơ hóa tại gan.
Mục tiêu lâu dài nhằm cải thiện xơ hóa, xơ gan, ngăn ngừa ung thư gan, tiến tới ngừng uống thuốc điều trị. Mục tiêu lý tưởng là tiệt trừ HBV (mất HBsAg) - cách tốt nhất ngăn ngừa xơ gan và ung thư gan.
Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc điều trị
Trên thực tế lâm sàng, do việc điều trị viêm gan B phải tuân thủ kéo dài trong nhiều năm, định kỳ tái khám, tốn kém và cả lo ngại tác dụng phụ của thuốc Tây, nên không ít bệnh nhân ngừng thuốc theo phác đồ và tìm đến phương pháp điều trị khác (thuốc Đông y, thuốc Nam...). Điều đó khiến tình trạng bệnh nặng dần lên và khi quay trở lại bệnh viện thì đã muộn do tình trạng tổn thương gan khó khắc phục.
Để điều trị được hiệu quả, thì tất cả những BN đang có chỉ định dùng thuốc kháng virus viêm gan B đều cần tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu cho những lần khám này là để bác sĩ theo dõi, phát hiện sớm để tích cực điều trị từ đầu các biến chứng, do nguy cơ mắc bệnh xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan trên bệnh nhân này là rất cao. Nếu thực hiện tốt những điều này, đi kèm với khả năng đáp ứng thuốc hiệu quả, người bệnh có thể có cuộc sống khỏe mạnh gần như người bình thường.
Hầu hết những người có chẩn đoán bị nhiễm viêm gan B mạn tính đều cần điều trị thuốc kháng virus kéo dài, đôi khi là hết đời. Việc điều trị này sẽ giúp ngăn chặn quá trình tăng sinh và hoạt động của virus, giảm nguy cơ tổn thương gan, các biến chứng về sau cũng như ngăn chặn lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh. Hơn nữa, các thuốc kháng virus ức chế sự sao chép của virus nhưng nếu ngừng uống thuốc sự sao chép virus thường quay trở lại với nồng độ như trước khi điều trị và có thể kháng thuốc. Việc ngừng thuốc khi nào phải do bác sĩ chuyên khoa đang điều trị cho bệnh nhân chỉ định, dựa vào tình trạng bệnh hoặc khả năng đáp ứng loại thuốc đó.
Thuốc kháng virus viêm gan B có thể gây tác dụng phụ, để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tăng cường trái cây tươi và thực phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh, tránh thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ...
ThS. Nguyễn Thị Thúy
Theo suckhoedoisong.vn