1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Luật Dược mới cho phép bán online thuốc kê đơn trong trường hợp nào?

Nam Phương

(Dân trí) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có điều khoản cho phép bán online thuốc kê đơn trong trường hợp cụ thể.

Chiều 21/11, với 426/430 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.  

Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tuy nhiên một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Trong đó điểm mới đáng chú ý là ghi nhận hình thức mua bán thuốc qua hình thức thương mại điện tử hay còn gọi là bán online. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra các quy định về việc mua bán online.

Luật Dược mới cho phép bán online thuốc kê đơn trong trường hợp nào? - 1

Luật Dược cho phép bán lẻ thuốc không kê đơn không thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt và không thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ (Ảnh minh họa: Stella).

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, cơ sở kinh doanh dược phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ sở kinh doanh này phải thông báo việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Luật cũng nêu rõ chỉ được bán lẻ thuốc không kê đơn mà thuốc đó không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt và không thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

Thuốc kê đơn được phép bán lẻ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế trong trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của bộ trưởng Bộ Y tế.

Cơ sở kinh doanh dược cũng phải tuân thủ quy định khác của Chính phủ về bán buôn thuốc và nguyên liệu làm thuốc, bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, quá trình mua bán thuốc ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề. Như các nước phát triển, việc mua thuốc rất chặt chẽ. Ở Việt Nam có chuyện mua theo mách bảo người hàng xóm, mua kháng sinh không cần đơn, điều này gây tác hại lâu dài.

Cũng vì thế, việc mua bán thuốc online cần được kiểm soát để đảm bảo an toàn.

Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.