TPHCM:

“Lột xác” hệ thống cấp cứu bằng mô hình không bác sĩ

(Dân trí) - Hơn hai năm sau khi tách khỏi bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn hoạt động không hiệu quả. Ngành y tế thành phố sẽ thực hiện bước “lột xác” hệ thống cấp cứu ngoại viện bằng mô hình không cần bác sĩ mà chỉ có chuyên viên cấp cứu.

Số cuộc gọi 115 chỉ đếm trên đầu ngón tay

Với hy vọng phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, tháng 12/2013, UBND thành phố quyết định tách Trung tâm Cấp cứu ngoại viện 115 ra khỏi bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương. Trung tâm trên có 6 xe cứu thương và 137 nhận sự (trong đó có 19 bác sĩ). Tuy nhiên, hơn hai năm hoạt động độc lập, đến nay trung tâm này vẫn hoạt động chưa hiệu quả.

Phần lớn người cần cấp cứu phải tự đến bệnh viện
Phần lớn người cần cấp cứu phải tự đến bệnh viện

Theo kế hoạch, trung tâm sẽ thành lập 5 trạm cấp cứu khu vực được đặt tại những quận huyện ngoại thành. Nhưng mới chỉ có hai trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động gồm: Trạm cấp cứu khu vực Đa khoa Sài Gòn đặt tại bệnh viện Đa khoa Sài Gòn; Trạm khu vực quận Bình Tân đặt tại bệnh viện quận Bình Tân. Ba trạm cấp cứu còn lại tại khu vực huyện Hóc Môn đặt tại bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; Trạm khu vực quận Thủ Đức đặt tại bệnh viện quận Thủ Đức; Trạm khu vực quận 7 đặt tại bệnh viện Quận 7 vẫn đang nằm trên giấy.

Hạn chế đang tồn tại hiện nay là người dân chưa biết đến thông tin về việc có các trung tâm đảm nhận nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện hoặc nhầm tưởng số máy 115 là tổng đài cấp cứu của các bệnh viện chứ không phải của riêng Trung tâm Cấp cứu. Tổng kết năm 2015 của Trung tâm Cấp cứu 115 cho thấy, trong năm đơn vị này chỉ nhận được 9.795 cuộc gọi (trung bình 27 cuộc gọi mỗi ngày) số xe cứu thương xuất bến chỉ có 6.880 lượt. Con số trên còn quá ít so với hàng loạt bệnh nhân phải cấp cứu mỗi ngày tại các bệnh viện trên toàn thành phố.

Trung tâm Cấp cứu 115 chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân
Trung tâm Cấp cứu 115 chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Nhu cầu cấp cứu của người dân là rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của Trung tâm Cấp cứu còn hạn chế. Mặt khác, tình trạng giao thông tại thành phố liên tục xảy ra ùn tắc khiến các phương tiện cấp cứu di chuyển khó khăn, nhiều người gọi cấp cứu nhưng chờ quá lâu vẫn chẳng thấy xe cứu thương đến nên buộc phải tự túc chuyển bệnh nhân - nạn nhân đến bệnh viện bằng xe taxi hoặc phương tiện cá nhân. Điều đó đang gây ra nhiều rủi ro cho người bệnh khi không được sơ cấp cứu kịp thời tại hiện trường hoặc chuyển đến bệnh viện cấp cứu không đảm bảo an toàn, nguy cơ sang chấn, biến chứng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Thí điểm mô hình cấp cứu không bác sĩ

Theo phân tích của TS.BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Y tế công cộng: Trong khi một thành phố ở Úc có trên 300 trạm cấp cứu vệ tinh thì ở TPHCM với quy mô khoảng 10 triệu dân nhưng số trạm cấp cứu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù thời gian qua, ngành y tế thành phố đã có nhiều kế hoạch nhằm hướng đến phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện như: tăng nhân sự, tăng số điểm cấp cứu vệ tinh, tăng xe cứu thương và các thiết bị hỗ trợ… Tuy nhiên, trên thực tế nỗ lực cải tổ gặp rất nhiều khó khăn do không tuyển được bác sĩ, điều dưỡng và thiếu kinh phí đầu tư, xây dựng.

Trên cơ sở tìm hiểu và học hỏi các mô hình cấp cứu của các nước, Sở Y tế thành phố đã quyết định lựa chọn mô hình cấp cứu ngoại viện không cần đến sự tham gia của các bác sĩ, điều dưỡng mà chỉ có chuyên viên sơ cứu ngoại viện. Đây là mô hình có tên gọi PARAMEDIC đang được triển khai rất hiệu quả tại các quốc gia phát triển như: Anh, Úc, Canada, Mỹ.

Hạn chế của cấp cứu ngoại viện sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của cộng đồng vào ngành y tế
Hạn chế của cấp cứu ngoại viện sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của cộng đồng vào ngành y tế

Theo đó, ngành y tế sẽ xây dựng mạng lưới vệ tinh cấp cứu ngoại viện với quy mô rộng khắp trên toàn thành phố, có khả năng đáp ứng trước các cuộc gọi cấp cứu của người dân và thiên tai, thảm họa. Với mô hình trên, các bệnh viện sẽ không có xe cứu thương mà chỉ có trạm cấp cứu mới có xe và chịu trách nhiệm vận chuyển người bệnh.

Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách làm công tác cấp cứu ngoại viện không phải bác sĩ, cũng không phải y sĩ hay điều dưỡng mà là chuyên viên sơ cứu ngoại viện, có chuyên môn sơ cứu chuyên nghiệp với nhiệm vụ đi theo xe cứu thương thực hiện nhiệm vụ tiếp cận hiện trường, tiến hành sơ cứu và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian ngắn nhất.

Đại diện Sở Y tế cho biết, chuyên viên sơ cứu ngoại viện sẽ được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể là người tốt nghiệp trung học phổ thông điều dưỡng, y sĩ được đào tạo về chương trình cấp cứu y tế ngoại viện. Các nhân viên này sau khi tốt nghiệp cơ bản (trung cấp) sẽ phải thực hành thêm một năm để được cấp bằng chứng nhận nhân viên cấp cứu y tế ngoại viện (Paramedic). Các nhân viên này sẽ được đưa về trung tâm cấp cứu 115 của thành phố, hoặc tham gia vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn (114).

Sở Y tế thành phố đang khuyến khích các đơn vị y tế tư nhân tham gia nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện
Sở Y tế thành phố đang khuyến khích các đơn vị y tế tư nhân tham gia nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện

Sau khi Sở Y tế đề xuất phương án trên, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định 01/QĐ-UBND ngày 9/1/2016, cho phép xây dựng đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện; đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện –Paramedic.

Sở Y tế thành phố cho hay, việc đào tạo nhân sự sắp tới sẽ được thực hiện tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch theo mô hình chuẩn Quốc tế với sự hỗ trợ chuyên môn của Úc. Nếu mô hình thí điểm thành công, TPHCM sẽ cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh thành trong khu vực và các nước có mô hình này. Dự kiến, mô hình trên sẽ được Sở Y tế thành phố trình Bộ Y tế phê duyệt và chính thức thí điểm trong quý I, năm 2016.

Bên cạnh những hoạt động nhằm cải tổ hệ thống cấp cứu ngoại viện, Sở Y tế TPHCM đang khuyến khích các đơn vị tư nhân tham gia vào hoạt động cấp cứu.

Mới đây, Sở Y tế đã cho phép thành lập Trung tâm cấp cứu Vạn Khang. Trung tâm này ứng dụng mô hình cấp cứu của Nhật Bản, không sử dụng số điện thoại gọi cấp cứu mà dùng hệ thống tự động với thiết bị chuyên dụng có tính nặng định vị, thông báo trong tình huống nạn nhân cần được cấp cứu.

Để ứng phó với tình trạng tắc đường ở TPHCM trung tâm trên sử dụng phương tiện cấp cứu ban đầu là xe gắn máy, nếu cần thiết sẽ điều xe cứu thương chuyên dụng, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Vân Sơn