Lời khuyên cho người già khi đi máy bay

(Dân trí) - Việc đi máy bay có thể rất vất vả đối với người già, nhất là những người ở độ tuổi 65 trở lên và có vấn đề về sức khỏe.

Những công việc cần chuẩn bị cho một chuyến bay - thu thập giấy tờ, ra sân bay, kiểm tra an ninh - có thể gây stress cho người già. Họ cũng có thể bị nhầm lẫn và mất định hướng do sự ồn ào náo nhiệt trong khi bay.

 
Trong khoang máy bay

Trong khoang máy bay

 

Trong khoang máy bay, áp suất, ô xi và độ ẩm đều thấp. Điều này khiến cho lượng ô xi tan trong máu thấp và khí trong các hốc của cơ thể, như xoang, tai giữa, ruột, phổi, mắt và chất trám răng giãn nở. Khi hơi trong dạ dày nở ra, nó có thể gây khó chịu, buồn nôn và nôn.

 

Lượng ô xi thấp có thể gây đau ngực, đau tim hoặc đột quỵ.

 

Độ ẩm trong khoảng máy bay là từ 10 đến 20%, so với 70 – 80% trong không khí ngoài trời, vì thế mắt, mũi và miệng sẽ bị khô.

 

Việc phải ngồi lâu trong một không gian hẹp cũng làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), hình thành những cục máu đông nguy hiểm trong các tĩnh mạch sâu ở chân.

 

Người già thường có nguy cơ cao bị tình trạng này, cũng như những người trước đó đã từng bị DVT và rối loạn máu. Nguy cơ cũng tương tự đối với những người nghiện thuốc lá, đang uống thuốc tránh thai, mới phẫu thuật chỉnh hình hoặc phẫu thuật não.

 

Chuẩn bị sớm

 

Người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe cần chuẩn bị sớm cho chuyến đi. Họ nên đi khám bác sĩ để được tư vấn về thuốc men ít nhất 4 tuần trước khi lên đường. Cũng nên kiểm tra xem liệu có cần tiêm chủng không. Người già nên tránh đi tới những nước đang có hoặc vừa hết dịch, vì họ dễ bị nhiễm trùng.

 

Với người bị bệnh tim hoặc phổi cần ôxi, nên thu xếp mang theo trong hành lý cá nhân. Hành khách cũng nên luôn mang theo các thuốc thường dùng như thuốc điều trị cao huyết áp và tiểu đường; và thuốc hít cho bệnh nhân hen. Hãy chuẩn bị sẵn một danh sách liệt kê những vấn đề sức khỏe, các loại thuốc đang dùng và tình trạng dị ứng thuốc để đề phòng trường hợp cấp cứu.

 

Hành khách có tuổi cũng nên mang theo paracetamol để giảm đau hoặc sốt; thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc chống say và cảm lạnh; và bộ sơ cứu vết thương. Tìm hiểu về phạm vi bảo hiểm y tế quốc tế phòng trường hợp cần điều trị ở nước ngoài.

 

Vào ngày khởi hành

 

Hành khách cao tuổi có thể mang theo một lọ nhỏ nước giữ ẩm hoặc kem bôi giữ ẩm cho mặt trong hành lý xách tay để đối phó với không khí khô và lạnh trên máy bay. Với người bị tiểu đường cũng có thể mang theo một chai nước ngọt hoặc vài thanh sô cô la phòng trường hợp hạ đường huyết. Người già nên tránh uống rượu bia trước khi lên đường vì nó gây mất nước và khó ngủ.

 

Đi loại tất ép đặc biệt để phòng ngừa sự hình thành huyết khối ở chân, nhất là với những người có nguy cơ. Uống đủ nước và thường xuyên đi lại trong khi chờ lên máy bay.

 

Khi nào thì không nên bay

 

Trong một số trường hợp tốt nhất là nên tránh đi máy bay. Những người bị bệnh tim mạch như cao huyết áp không kiểm soát được, mới bị đau tim hoặc mới phẫu thuật tim không nên bay nếu không có sự cho phép của bác sĩ. Ví dụ những người mới bị đau tim không nên đi máy bay trong ít nhất 3 tháng, vì nguy cơ diễn ra một cơn đau tim khác sẽ cao hơn do lượng ô xi thấp. Người có vấn đề về phổi, như bị hen không kiểm soát được và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cũng cần được bác sĩ tư vấn trước khi bay. Những người bị viêm tai hoặc viêm xoang cấp nên tránh bay trong trường hợp bị đau tai, giảm thính giác, chóng mặt và ù tai.

 

Trước khi bay

 

1. Yêu cầu chỗ ngồi cạnh lối đi và gần toilet cho thuận tiện.

2. Nếu có thể, hãy đi theo nhóm hoặc với người trẻ hơn.

3. Kiểm tra sức khỏe trước khi đi và tiêm chủng những vắc xin cần thiết.

4. Mua một ít thuốc chống lo âu và chống say tàu xe, nếu cần.

5. Mua bảo hiểm du lịch đầu đủ.

6. Gói sẵn thuốc và dụng cụ hỗ trợ thông thường trong hành lý xách tay.

 

Trên máy bay

 

1. Nếu sử dụng máy trợ thính, hãy vặn nhỏ âm lượng trong khi máy bay cất cánh và hạn cánh để tránh tổn thương tai do tiếng ồn của máy bay.

2. Tránh các loại nước có ga và thực phẩm gây đầy hơi như hành, súp lơ, bắp cải và đậu rang.

3. Tránh hoặc hạn chế đồ uống có cồn và caffeine trong những chuyến bay dài.

4. Thường xuyên vận động. Đi toilet 2 hoặc 3 tiếng một lần sẽ giúp tuần hoàn máu lưu thông.

5. Thường xuyên co duỗi các cơ ở chân, ví dụ như co duỗi bàn chân để giảm khó chịu, mỏi và cứng cơ.

 

Cẩm Tú

Theo Asiaone