1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Loay hoay lo bữa ăn học trò trong "cơn bão" thực phẩm bẩn

(Dân trí) - Trong nỗi lo chung về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan các bậc phụ huynh ở thành phố Vinh (Nghệ An) cũng canh cánh nỗi lo về ATVSTP trong các bếp ăn nhà trường khi “cơn bão” thực phẩm bẩn đang lan tràn.

Lo hơn chất lượng dạy học

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã đến một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn Tp. Vinh (Nghệ An). Có lẽ không mấy khó hiểu khi chúng tôi nhận được những lời từ chối kiểu như “lãnh đạo trường đi vắng”, “phải gọi điện hẹn trước”, thậm chí khi đã gặp được hiệu phó của một trường nọ chúng tôi vẫn không nhận được câu trả lời cho vấn đề mình nêu ra vì “chỉ có hiệu trưởng mới trả lời được”. Thậm chí, khi gặp lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP. Vinh để đặt vấn đề làm việc, chúng tôi cũng nhận được câu từ chối thẳng thừng vì “không có thời gian” (!).

Chất lượng bữa ăn là mối quan tâm hàng đầu tại các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh.
Chất lượng bữa ăn là mối quan tâm hàng đầu tại các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh.

Khi nhà nhà, người người bất an trước nạn thực phẩm bẩn thì các trường học tổ chức bữa cơm bán trú cho học sinh cũng chung nỗi lo như thế. Chị Nguyễn Thị Tuyết - một phụ huynh có con đang học tiểu học lo lắng: “Mỗi ngày cháu ăn một bữa ở trường nhưng cũng lo lắm. Ở nhà mình tự tay đi chợ, tự tay lựa chọn thực phẩm, về nhà chế biến thì ngâm nước muối, nước gạo, sục máy Ozone… mà cũng vừa ăn vừa lo. Cả trường đến cả nghìn học sinh như thế không biết thực phẩm có đảm bảo không? Lo thì lo thế nhưng biết làm sao được”.

Ông Trần Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Bình (Tp. Vinh) thẳng thắn: “Ở bối cảnh hiện nay thì chúng tôi cũng không dám khẳng định về chất lượng thực phẩm trong bữa cơm cho trẻ là tuyệt đối an toàn, đảm bảo bởi an toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang là nỗi lo chung của toàn xã hội chứ không phải của một gia đình, một trường nào cả”.

Bộ phận nhà bếp của Trường Tiểu học Trường Thi (Tp. Vinh, Nghệ An) chuẩn bị bữa cơm trưa cho gần 1.000 học sinh.
Bộ phận nhà bếp của Trường Tiểu học Trường Thi (Tp. Vinh, Nghệ An) chuẩn bị bữa cơm trưa cho gần 1.000 học sinh.

Bà Trịnh Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi cũng chung quan điểm: “Nói thật, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mà nhà trường lo nhất, lo hơn cả chất lượng dạy và học. Nhưng để biết thực phẩm mình chế biến cho học sinh là đảm bảo hay chưa thì chúng tôi không thể làm được vì hoàn toàn không có chuyên môn. Năm trước, đơn vị cung ứng rau cho trường có mời lãnh đạo, phụ huynh và học sinh đến tham quan vườn rau của họ. Họ nói an toàn thì mình biết là an toàn chứ thực tế có an toàn không, an toàn đến đâu thì bản thân tôi cũng chịu”.

Nhiều giải pháp nhưng chưa thực sự yên tâm

Trường mầm non Việt - Anh có lẽ là một trong ít trường học trên địa bàn thành phố Vinh có vườn rau dành riêng cho học sinh. Vườn rau khá rộng, trồng nhiều loại rau từ khoai lang, cải, rau muống, xà lách, rau ngót... để phục vụ cho bữa ăn của trẻ mặc dù vườn rau này cũng chưa thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu rau xanh của cả trường.

Anh Vương Đạo Nhân – một phụ huynh có con học tại đây chia sẻ: “Trẻ tiểu học thì không nói chứ trẻ mầm non ngày ăn ở trường 3 bữa, sáng, trưa và xế chiều nên nhìn vườn rau thế này cũng yên tâm được một phần nào”.

Vườn rau của Trường Mầm non Việt - Anh đáp ứng được 1 phần nhu cầu rau sạch chế biến cho các cháu.
Vườn rau của Trường Mầm non Việt - Anh đáp ứng được 1 phần nhu cầu rau sạch chế biến cho các cháu.

Thực tế là dù muốn nhưng nhiều trường học trên địa bàn Tp Vinh không thể tự trồng rau phục vụ bữa cơm bán trú cho học sinh, lý do đơn giản là không có quỹ đất. Bởi vậy, các trường đành chấp nhận “sống chung với thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên, mỗi trường lại có một cách riêng để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng trong bữa ăn của học sinh.

Nguồn thực phẩm đỏ (thịt lợn, thịt bò) của Trường Tiểu học Hưng Bình được lấy trực tiếp từ lò mổ gia súc ở xã Nghi Phú sau khi được cơ quan thú y đóng dấu kiểm dịch. Rau được ký hợp đồng với một cá nhân. “Chúng tôi chỉ nhận rau tinh, nghĩa là đã được nhặt, rửa sạch. Tuy nhiên, để yên tâm thì khi nhận rau, bộ phận bếp phải ngâm rửa lại rau bằng nước muối loãng và nước vo gạo. Nhà trường mua 5 chiếc máy ủ giá, mua đậu xanh về tự ủ giá rồi chế biến cho các học sinh mỗi tuần 1 bữa. Làm như vậy nhưng nói thật là chưa thể yên tâm với bữa cơm của gần 1.000 học sinh”, ông Trần Xuân Khang bộc bạch.

Từ đầu năm học 2015-2016, Trường Tiểu học Trường Thi ký hợp đồng cung cấp rau với một công ty kinh doanh thực phẩm sạch có trang trại trồng rau ở Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Trung bình mỗi ngày trường phải mua từ 30-60kg rau xanh để nấu tùy thuộc vào thực đơn hôm đó là rau xào hay nấu canh.

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường, các trường học phải tự túc một phần rau xanh hoặc mua các thiết bị tẩy độc thực phẩm để đảm bảo an toàn cho bữa cơm bán trú.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường, các trường học phải tự túc một phần rau xanh hoặc mua các thiết bị "tẩy độc" thực phẩm để đảm bảo an toàn cho bữa cơm bán trú.

“Họ có giấy chứng nhận thực phẩm sạch theo mô hình VietGap nên chúng tôi cũng biết tin vậy thôi. Mua rau sạch phải chấp nhận giá cả cao hơn thị trường, thậm chí có thời điểm cao gấp đôi nhưng không thể làm khác nếu muốn bữa cơm của trò đảm bảo an toàn. Trước đây, khi chưa ký hợp đồng với đơn vị cung ứng sau sạch này thì trường hạn chế sử dụng rau xanh chế biến cho các cháu mà chủ yếu là ăn củ, quả, cũng không dám chắc là đảm bảo an toàn nhưng dù sao cũng yên tâm hơn”, cô hiệu trưởng Trịnh Thị Nga cho biết.

Nguồn rau xanh có thể tạm yên tâm vì đơn vị cung ứng cung cấp được các giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm còn thịt, cá thì cô Nga thừa nhận vẫn phải mua theo cảm tính do trường nằm xa các lò mổ. “Thịt cá thì chúng tôi chỉ mua những chỗ quen và có uy tín”. Uy tín là theo cô hiệu trưởng là chỗ nào bán đắt khách, nhiều người mua và biết rõ người bán.

Tin tưởng vào uy tín người bán hàng cũng chưa yên tâm, nhà trường quyết định mua máy sục Ozone để “tẩy độc” cho thực phẩm. “Giờ trên mạng người ta lại bảo máy Ozone cũng không có tác dụng trong việc làm sạch thực phẩm. Chúng tôi cũng đang hoang mang không biết làm thế nào để đảm bảo thực phẩm nấu cho học sinh”, cô Nga băn khoăn.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm