Loại gia vị quen thuộc trong nhà bếp là "thủ phạm" tăng nguy cơ ung thư
(Dân trí) - Muối là gia vị không thể thiếu trong nhà bếp. Mỗi một người Việt trung bình một ngày tiêu thụ khoảng 9,4g. Con số này gấp đôi khuyến cáo của WHO và nó tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, huyết áp, tim mạch.
Điều tra năm 2015 của Bộ Y tế cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO).
Để tốt nhất cho sức khỏe, Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo một người ăn dưới 5g muối/người/ngày.
Với nguy cơ ung thư, việc ăn muối nhiều tăng nguy cơ ung thư dạ dày như thế nào?
GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, tuy nhiên các chuyên gia cũng chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân cụ thể, chỉ tìm ra yếu tố thuận lợi để phát triển căn bệnh này.
Trong đó, nguyên nhân do vi khuẩn HP được các chuyên gia cảnh báo nhiều nhất. Bởi trong thực tế, có khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori); chỉ khoảng 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh…
Khoa học cũng đã chỉ ra được mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần ăn và sự gia tăng vi khuẩn HP cũng như làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Theo 1 nghiên cứu trên 270.000 người cho thấy những người ăn nhiều muối sẽ tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày.
GS Long giải thích: "Ăn nhiều muối sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Vi khuẩn HP, nhất là loại vi khuẩn mang gen CagA có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày".
Vì thế, để giảm bớt một nguy cơ gây ung thư dạ dày, hãy giảm lượng muối sử dụng trong ngày xuống dưới ngưỡng cảnh báo.
Chú ý giảm lượng muối ăn vào hằng ngày. Hãy thực hiện giảm muối khi chế biến thức ăn, giảm muối trong khi ăn, giảm sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.