1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Loại củ bán đầy chợ Việt được nước ngoài xem là thực phẩm "toàn diện"

Minh Nhật

(Dân trí) - Khoai tây chứa vitamin C, kali, chất xơ và tinh bột. Khoai tây được chứng minh có nhiều giá trị cho sức khỏe.

Khoai tây có thời gian bảo quản khá lâu, nếu bảo quản đúng cách có thể giữ được từ 1-2 tháng. Không chỉ vậy, điều quan trọng hơn là khoai tây rất bổ dưỡng. Chính vì những lý do này, khoai tây còn được người nước ngoài đánh giá là thực phẩm "toàn diện".

Chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc Chen Yiting cho biết: "Khoai tây không chứa nhiều calo. Chủ yếu là do cách chế biến thông thường của chúng ta là chiên giòn hoặc thêm quá nhiều gia vị làm tăng lượng calo cho món khoai tây khiến loại thực phẩm này mang tiếng xấu".

Vì vậy, bạn nên chế biến bằng những cách "lành mạnh" hơn như: hấp, luộc. Tránh chiên hoặc thêm quá nhiều sốt phô mai, sốt salad và các loại sốt khác để không làm tăng thêm quá nhiều calo. 

Chất dinh dưỡng "toàn diện" của khoai tây

Loại củ bán đầy chợ Việt được nước ngoài xem là thực phẩm toàn diện - 1

Tinh bột: Củ khoai tây chứa nhiều tinh bột, do đó ăn khoai tây có thể cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Lượng tinh bột mà khoai tây sở hữu không dễ tiêu hóa và hấp thụ. Do đó, thành phần này vừa có thể làm no bụng, vừa thúc đẩy quá trình oxy hóa lipid sau bữa ăn và giảm tích tụ mỡ giúp giảm cân.

Protein: Protein của khoai tây có giá trị dinh dưỡng cao. Cụ thể, khoai tây chứa 18 loại axit amin, bao gồm các axit amin thiết yếu khác nhau, mà cơ thể con người không thể tổng hợp được.

Vitamin: Khoai tây có hàm lượng vitamin đầy đủ nhất trong tất cả các loại cây lương thực. Với một củ khoai tây cỡ vừa sẽ có hàm lượng vitamin C đạt 45% giá trị cần hàng ngày và chứa nhiều kali hơn chuối; là nguồn cung cấp vitamin B6; hàm lượng thiamine chiếm 8%; folate chiếm 6%, magie chiếm 6%, phốt pho chiếm 6%, sắt chiếm 6% và kẽm chiếm 2% nhu cầu mỗi ngày.

Muối vô cơ: Các muối vô cơ có trong củ khoai tây bao gồm: canxi, phốt pho, sắt, kali, natri, kẽm, mangan… Đây cũng là những nguyên tố không thể thiếu đối với sức khỏe và sự phát triển của con người.

Chất xơ: Củ khoai tây rất giàu chất xơ, ăn khoai tây sẽ khiến chúng ta cảm thấy no lâu hơn và giúp loại bỏ một số chất béo và chất thải tích tụ trong cơ thể. Chất xơ cũng có thể giúp nhuận tràng và giải độc, có lợi cho dạ dày và tránh một số bệnh ung thư như ung thư ruột kết.

Những giá trị sức khỏe của khoai tây

Loại củ bán đầy chợ Việt được nước ngoài xem là thực phẩm toàn diện - 2

Bảo vệ tim mạch và mạch máu não

100g khoai tây chứa 200 ~ 340mg kali. Nếu mỗi người ăn một hoặc hai củ khoai tây mỗi ngày sẽ giúp hạ huyết áp, điều chỉnh tỷ lệ cholesterol và lipid máu trong máu, bảo vệ hệ tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh xuất huyết não.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cho thấy, ăn khoai tây mỗi ngày có liên quan đến chất lượng chế độ ăn uống, chỉ số máu và chỉ số sức khỏe tổng thể tốt hơn so với ăn ngũ cốc tinh chế.

So với chế độ ăn dựa trên ngũ cốc trắng tinh chế, sử dụng khoai tây làm thực phẩm chính có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện lipid máu và giảm mức độ phản ứng viêm.

Thúc đẩy tiêu hóa

Khoai tây có vị ngọt và không độc, có tác dụng tăng cường sức khỏe lá lách và dạ dày. Thành phần kháng khuẩn trong khoai tây giúp ngăn ngừa viêm loét dạ dày. Khoai tây được đánh giá là thực phẩm rất tốt đối với những bệnh nhân tỳ vị hư yếu, ăn uống không tiêu, bệnh tim.

Làm đẹp và chống lão hóa

Khoai tây rất giàu vitamin B như vitamin B1, B2, B6, axit pantothenic và nhiều cellulose chất lượng cao. Tinh bột của khoai tây là chất làm dịu tự nhiên, có thể bảo vệ lớp sừng, khóa ẩm, giữ cho da đàn hồi và trì hoãn sự lão hóa. Các polyphenol chứa trong khoai tây có tác dụng chống oxy hóa.

Cách lựa chọn khoai tây

Chuyên gia khuyến cáo chỉ mua khoai tây khi lớp vỏ còn nguyên vẹn, không mọc mầm. Tuyệt đối tránh mua khoai tây có các đốm chồi (dấu hiệu mọc mầm) hoặc lớp vỏ chuyển sang màu xanh.

BS Chen Yiting nhấn mạnh rằng, khoai tây mọc mầm phải được vứt bỏ để tránh ngộ độc. Vì khoai tây sẽ tiết ra chất độc solanin trong quá trình nảy mầm và chất độc này cũng không thể bị phân hủy khi nấu chín.

Nồng độ solanin thấp khi khoai tây vừa mới nảy mầm, nhưng khi chồi phát triển, nồng độ sẽ tăng lên. Sau khi ăn, có thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa cổ họng, nóng rát hoặc viêm nhiễm, dị ứng, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy và khó thở.