Loại cây được ví như "nhân sâm" dành cho người nghèo
(Dân trí) - Cây đinh lăng có công dụng trong điều trị nhiều bệnh như mề đay, mẩn ngứa, thấp khớp, tắc tia sữa, ho, tăng cường sinh lý… Tuy nhiên, việc lạm dụng dễ gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Được ví như "nhân sâm" dành cho người nghèo, cây đinh lăng đem lại nhiều công dụng hữu ích. Hầu như tất cả bộ phận của cây đều được tận dụng làm thuốc, từ thân, cành, lá đến củ, rễ. Rễ củ của cây đinh lăng chứa nhiều saponin và có công dụng tương tự như nhân sâm.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, thành phần của cây đinh lăng có chứa tới 8 loại saponin oleanane. Trong rễ cũng có nhiều saponin tương tự như sâm. Ngoài ra, nó còn có nhiều vitamin và có tới 20 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là các loại axit amin thiết yếu như methionin, lyzin, cysteine.
Theo Đông y, dược liệu đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tùy vào từng bộ phận mà có các công dụng khác nhau. Phần thân, rễ đinh lăng có khả năng tăng cường tuần hoàn máu, giúp lưu thông khí huyết. Phần lá có khả năng giải độc, chống dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.
Cây đinh lăng chuyên dùng điều trị trong các trường hợp cơ thể suy nhược, tiêu hóa kém, nhức đầu, ho ra máu, thấp khớp, đau nhức xương khớp, tắc tia sữa, người hư yếu, ho khan kéo dài.
Cần lưu ý gì khi sử dụng
Trong lá đinh lăng có nhiều saponin nên nếu lạm dụng sử dụng quá nhiều rất dễ gặp phải một số tác dụng phụ như chóng mặt, hoa mắt, khó chịu, mệt mỏi... Vì thế, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc liều lượng sử dụng cho phù hợp, không được uống kéo dài.
Trẻ em không nên uống nước lá đinh lăng mà chỉ nên dùng ngoài da vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, nếu lạm dụng uống nước lá đinh lăng có thể ảnh hưởng xấu tới tổng trạng cũng như hệ tim mạch.
Tuy là dược liệu thiên nhiên ít độc nhưng khi dùng với liều lượng nhiều vẫn có nguy cơ bị ngộ độc, nhất là ở phổi, gan, dạ dày, tim, ruột...
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), trung bình mỗi ngày người dân có thể dùng từ 1 đến 6gr phần rễ và từ 30 đến 50gr phần thân, còn lá thì dùng từ 50 đến 100gr. Người bệnh có thể sắc để uống, ngâm rượu hoặc chế biến thành món ăn.
Đồng thời cần lưu ý chúng ta chỉ nên dùng với một liều lượng nhất định, việc cơ thể tiếp nhận quá nhiều saponin có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
Một số bài thuốc từ cây đinh lăng
Dưới đây là một số bài thuốc từ cây đinh lăng, theo bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương:
Bài thuốc giúp chữa tắc tia sữa ở phụ nữ sau khi sinh
- Chuẩn bị: 3 lát gừng tươi và 40gr rễ đinh lăng.
- Thực hiện: Cho vào nồi, đun sôi với 500ml nước và hạ lửa nấu cho đến khi còn 250ml, dùng nước sắc uống khi còn nóng.
Bài thuốc chữa mề đay mẩn ngứa do dị ứng thực phẩm, thời tiết
- Chuẩn bị: Lá đinh lăng khô 80gr.
- Thực hiện: Nấu sôi với 500ml còn lại 250ml, chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp do thấp khớp
- Chuẩn bị: Quế chi và vỏ quýt (trần bì) mỗi vị 4gr, thiên niên kiện, cỏ xước, hà thủ ô, huyết rồng và cối xay mỗi vị 8gr, rễ đinh lăng 12gr.
- Thực hiện: Để quế chi riêng, cho các vị sắc lấy nước, sau khi sôi cho quế chi vào. Chia thành 2 lần uống và dùng khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc chữa bệnh viêm gan
- Chuẩn bị: Nghệ 8gr, biển đậu 12gr, rễ đinh lăng 12gr và rễ cỏ tranh 12gr.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày một thang, dùng đều đặn cho đến khi khỏi.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh liệt dương và rối loạn cương dương ở nam giới
- Chuẩn bị: Sa nhân 6gr, cao ban long và trâu cổ mỗi vị 8gr, cám nếp và rễ đinh lăng mỗi vị 12gr.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Lưu ý, để đạt được kết quả điều trị tốt, người dân nên kết hợp với thói quen tình dục lành mạnh, tập luyện và ăn uống điều độ.
Bài thuốc chữa chứng mất ngủ kéo dài, thiếu tập trung và suy giảm trí nhớ
- Chuẩn bị: Liên nhục 16gr, tâm sen 12gr, lá đinh lăng 24gr, lá vông 20gr và tang diệp 20gr.
- Thực hiện: Sắc với 400ml nước, lấy khoảng 150ml và chia thành 2 lần uống trong ngày.