Liên tiếp 2 ca bị rắn hổ chúa cắn, đừng liều mạng với “tử thần”

Vân Sơn

(Dân trí) - Người mưu sinh bằng nghề bẫy rắn, người tình cờ phát hiện nên vây bắt, cả hai bị rắn hổ chúa cắn, nguy kịch tính mạng. Nhiều người đang liều mạng đương đầu với loài rắn có nọc độc nhất trên cạn.

Liên tiếp 2 người bị rắn hổ chúa cắn

Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 2 trường hợp bị rắn hổ chúa cắn, chuyển viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Nạn nhân thứ nhất là anh P.V.T. (38 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) bị rắn cắn vào ngày 19/8. 

Trước khi nhập viện, bố con anh đi thăm bẫy thì phát hiện con rắn rất lớn, chưa xác định được loài rắn gì nhưng sợ sổng mất nên anh lao vào bắt. Con rắn quá lớn vùng vẫy khiến anh tuột tay trái, bị con rắn đã quay lại cắn vào đùi phải.

Trường hợp thứ hai bị rắn cắn là người đàn ông Y.T.K. (35 tuổi, ngụ tại tỉnh Đắk Lắk). Ngày 20/9, khi đang làm rẫy cạnh suối, anh phát hiện con rắn lớn bò qua nên tiến hành vây bắt. Anh đã bị con rắn cắn vào ngón 2 của bàn tay phải. Sau khi đi thầy lang lấy nọc độc, nạn nhân đã phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Xác con rắn gia đình mang theo tới bệnh viện được bác sĩ xác định là rắn hổ chúa.  

Liên tiếp 2 ca bị rắn hổ chúa cắn, đừng liều mạng với “tử thần” - 1

Nạn nhân thứ 2 bị rắn hổ chúa cắn là người đàn ông ngụ tại tỉnh Đắc Lắc

Cả 2 trường hợp trên may mắn được các bác sĩ sử dụng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu phối hợp liên chuyên khoa trong điều trị nên may mắn thoát chết. 

Đừng liều mạng với “tử thần”

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn hổ chúa là loài có nọc độc nhất trong số các loài sống trên cạn. Trúng nọc độc của rắn hổ chúa là bệnh lý nhiễm độc thần kinh rất nặng.

Trung bình mỗi năm Đơn vị Hồi sức Chống độc tại khoa Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận 800 đến 1.000 ca bị các loài rắn độc khác nhau cắn. Tuy nhiên, đến nay bệnh viện mới chỉ tiếp nhận 9 trường hợp trúng nọc độc rắn hổ chúa, 2 bệnh nhân nêu trên là 3 ca được cứu sống.

Rắn hổ chúa thường sống ở vùng rừng núi hẻo lánh nên khả năng chúng tiếp xúc với con người không nhiều. Nọc độc của rắn hổ chúa có thể cướp đi sinh mạng của con người trong thời gian rất ngắn.

Khi bị rắn cắn phóng thích nọc kịch độc vào cơ thể, nạn nhân sẽ gặp các triệu chứng về thần kinh, khó nói và yếu chân tay, liệt cơ toàn thân dẫn tới suy hô hấp và ngưng thở. Bên cạnh đó, nạn nhân bị các biến chứng tổn thương cơ tim cấp gây loạn nhịp rất phức tạp có cơn rối loạn chậm, có cơn rối loạn nhanh, việc điều trị thông thường sẽ không mang lại kết quả.

Liên tiếp 2 ca bị rắn hổ chúa cắn, đừng liều mạng với “tử thần” - 2
Bệnh nhân buộc phải tháo khớp gần của ngón thứ 2 bàn phải bị hoại tử

Hầu hết các trường hợp tới bệnh viện sau khi bị rắn hổ chúa cắn, dù đã được sử dụng huyết thanh kháng nọc nhưng sau đó vẫn rơi vào tử vong do những biến chứng nặng nề viêm cơ tim, hoại tử toàn bộ cơ trong cơ thể dẫn tới suy đa tạng. Việc cứu sống được 3 trong số 9 ca bệnh trên là nhờ bác sĩ chắt chiu từng chút kinh nghiệm trong quá trình điều trị, chủ động can thiệp sớm, không đợi những biến chứng xảy ra.

Tuy nhiên, những trường hợp bị rắn hổ chúa cắn đều bị hoại tử nặng, trường hợp ở Tây Ninh bệnh nhân phải cắt lọc hoại tử, ghép da trên diện rộng ở vùng đùi, hông bên phải, khu vực tầng sinh môn. Bệnh nhân ở Đắk Lắk phải tháo bỏ đốt gần ngón thứ 2 của tay phải.

Liên tiếp 2 ca bị rắn hổ chúa cắn, đừng liều mạng với “tử thần” - 3

Ngày 19/8 sau khi bị cắn, nạn nhân đã mang theo con rắn hổ chúa vào bệnh viện cấp cứu

Tùy từng loài rắn với nọc độc khác nhau chúng gây ra những tổn thương ở mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Hiện nay, một số khu vực còn tình trạng buôn bán rắn (kể cả các loài rắn trong sách đỏ) hoặc cho trẻ em chơi với rắn, nuôi rắn để kinh doanh hoặc cho trẻ em chơi với rắn như thú cưng… đây là nguy hiểm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với tính mạng.

Những người không may bị rắn cắn cần tuân thủ các hướng dẫn y tế như rửa sạch vết thương; dùng băng gạc sạch che phủ vết thương; garo nhẹ vị trí chi phía trên vết cắn; hạn chế tối đa vận động tại các vùng chi bị cắn; nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp, điều trị kịp thời. Nạn nhân và người sơ cứu không nên áp dụng những thói quen, kiến thức không có cơ sở khoa học như đến các thầy thuốc chữa rắn, nhai lá cây đắp lên vết thương… Điều này sẽ kéo dài thời gian sơ cứu ban đầu khiến người bệnh chậm trễ đến bệnh viện, mất đi thời gian vàng, nguy cơ biến chứng do nọc độc, tử vong cao.