Liên tiếp 2 bệnh nhi chào đời với nội tạng nằm ngoài thành bụng

(Dân trí) - Thoát vị cuống rốn và thoát vị thành bụng bẩm sinh khiến 2 cháu bé chào đời trong tình trạng nội tạng nằm ngoài thành bụng. Sự phối hợp liên viện Sản - Nhi đã thực hiện thành công cả 2 ca mổ, đưa nội tạng bệnh nhi về vị trí tự nhiên.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố ngày 5/2 cho hay, tại đây vừa phối hợp với bệnh viện Từ Dũ can thiệp thành công cho 2 trường hợp bệnh nhi bị thoát vị cuống rốn và thoát vị thành bụng. Cả hai trường hợp trên được Bệnh viện Từ Dũ phát hiện vị trí thoát vị bất thường qua siêu âm tiền sản.

Trường hợp thứ nhất là bé trai có ổ thoát vị cuống rốn chứa gan và ruột
Trường hợp thứ nhất là bé trai có ổ thoát vị cuống rốn chứa gan và ruột

Trường hợp thứ nhất là bé trai chào đời bằng phương pháp sinh mổ chủ động ở tuần 39 của thai kỳ với cân nặng 3,2kg. Ngay khi chào đời, trên vùng bụng của bé có khối thoát vị ở cuống rốn đường kính 6cm, còn màng bao phủ tạng thoát vị gồm gan và ruột. Những bộ phận của trẻ bị thoát vị vẫn hồng hào, không có biểu hiện bất thường.

Trường hợp thứ hai là bé trai có cân nặng 2,6kg được chào đời bằng phương pháp sinh thường. Ngay khi chào đời, bác sĩ ghi nhận toàn bộ ruột non của bé bị thoát vị qua khe hở (khoảng 3cm) ở thành bụng, bộ phận ruột bị thoát vị hồng hào.

Bé trai thứ hai bị thoát vị thành bụng, bộ phận ruột non tràn ra ngoài
Bé trai thứ hai bị thoát vị thành bụng, bộ phận ruột non "tràn" ra ngoài

Ngay sau khi chào đời, cả 2 bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Để tránh nguy cơ tạng thoát vị bị nhiễm trùng đe dọa đến sinh mạng bệnh nhi, chỉ sau 5 tiếng chào đời, các bé lần lượt được TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cùng ê kíp thực hiện cuộc phẫu thuật đưa các bộ phận nội tạng trở về vị trí tự nhiên, đồng thời khâu phục hồi thành bụng. 3 ngày sau phẫu thuật, vết mổ đã khô, sức khỏe của cả 2 bệnh nhi đều ổn định.

Thoát vị cuống rốn và hở thành bụng là cấp cứu ngoại khoa do một phần ruột và các tạng trong bụng, từ thời kỳ bào thai hoặc chu sinh thoát ra chân cuống rốn hoặc chỗ thành bụng bị hở, ra ngoài ổ bụng. Biến chứng nặng gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn ổ bụng, hoại tử phần ruột ở ngoài ổ bụng. Tỷ lệ trẻ bị thoát vị cuống rốn chiếm khoảng 1/6000 trẻ; hở thành bụng khoảng 1/15.000 đến 30.000 trẻ.

Cả 2 trẻ đã được thực hiện phẫu thuật đưa nội tạng về vị trí tự nhiên và khâu phục hồi thành bụng
Cả 2 trẻ đã được thực hiện phẫu thuật đưa nội tạng về vị trí tự nhiên và khâu phục hồi thành bụng

Để sớm phát hiện, can thiệp kịp thời cho bệnh nhi, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám định kỳ trong thời gian mang thai. Thông qua các xét nghiệm, thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh… bác sĩ sẽ phát hiện những bất thường ở trẻ từ đó có phương án hỗ trợ chuyên môn tích cực.

Vân Sơn