1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lấy nhau 2 năm vẫn không biết làm chuyện ấy, đôi trẻ cầu cứu bác sĩ

Minh Nhật

(Dân trí) - Mặc dù nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tình dục, giới tính nhưng vẫn còn tâm lý e ngại không đến thăm khám trong thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là hiếm muộn nhiều năm.

Lấy nhau 2 năm vẫn không biết cách làm chuyện ấy

Sau 2 năm kết hôn, đôi vợ chồng sống ở Thanh Hóa chưa một lần quan hệ tình dục thành công chỉ vì… không biết cách làm chuyện ấy như thế nào.

Trường hợp đặc biệt này được Trung tâm Y học Giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiếp nhận trong thời gian vừa qua.

Lấy nhau 2 năm vẫn không biết làm chuyện ấy, đôi trẻ cầu cứu bác sĩ - 1

Lấy nhau 2 năm vẫn không biết cách làm chuyện ấy (Ảnh minh họa: Getty).

Thông tin được ThS.BS Phạm Minh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính, chia sẻ tại Hội thảo "Cập nhật chăm sóc sức khỏe tình dục nam và nữ" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo BS Ngọc, việc không thể quan hệ tình dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hôn nhân gia đình của cặp đôi. Cũng vì lý do này, vợ chồng bệnh nhân chưa thể đón nhận "tin vui".

Đặc biệt, theo BS Ngọc khi kiểm tra đánh giá chức năng cương dương của người chồng và siêu âm kiểm tra bộ phận của người vợ cho kết quả hoàn toàn bình thường.

Với trường hợp này, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện tình dục liệu pháp.

"Các bác sĩ của Trung tâm Y học giới tính đã dành một buổi để chỉ cho bệnh nhân những đặc điểm về giải phẫu, sinh lý tình dục.

Chúng tôi đã hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tình dục liệu pháp. Kết quả, sau hai buổi trị liệu cặp đôi đã quan hệ tình dục bình thường như bao cặp đôi khác", BS Ngọc cho hay.

Theo BS Ngọc vấn đề rối loạn chức năng tình dục hiện rất đáng báo động. Chỉ trong 5 tháng, Trung tâm Y học giới tính tiếp nhận 700 trường hợp gặp các vấn đề về rối loạn chức năng tình dục.

Lấy nhau 2 năm vẫn không biết làm chuyện ấy, đôi trẻ cầu cứu bác sĩ - 2

ThS.BS Phạm Minh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Chuyên gia này phân tích, rối loạn chức năng tình dục là bất kỳ vấn đề nào ngăn cản một người hay cặp vợ chồng đạt được sự thỏa mãn từ hoạt động tình dục. Thông thường rối loạn này chia làm 4 loại: rối loạn ham muốn, rối loạn kích thích, rối loạn cực khoái và rối loạn đau.

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 40% nam giới ở độ tuổi 40 bị rối loạn cương dương. Tỷ lệ này tăng lên đến 70% với nam giới 70 tuổi. Ở nữ giới có tới 12% cho đến 15% bị giảm ham muốn tình dục.

Nguy cơ hiếm muộn vì "trục trặc" chuyện ấy

Hiện nay ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào trên quy mô rộng cho kết quả đo lường chính xác về tỷ lệ rối loạn tình dục.

Theo BS Ngọc, một thực trạng là vấn đề rối loạn tình dục ở nữ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí từ chính bệnh nhân.

"Các đối tượng đến thăm khám vì rối loạn tình dục mà chúng tôi tiếp nhận chủ yếu là nam. Tỷ lệ bệnh nhân nữ đến khám còn ít và chưa tương xứng với thực trạng ngoài đời sống", BS Ngọc cho hay.

Trung tâm Y học giới tính thực hiện một nghiên cứu trên 1.039 phụ nữ đến khám hiếm muộn tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, để đánh giá thực trạng rối loạn ham muốn, hưng phấn ở nhóm này.

Kết quả thu được cho thấy, có 1/3 phụ nữ hiếm muộn bị rối loạn ham muốn và hưng phấn tình dục.

Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn ham muốn và hưng phấn tình dục ở phụ nữ hiếm muộn được chỉ ra trong nghiên cứu này:

- Phụ nữ trong độ tuổi 31-40 tuổi.

- Có tiền sử bệnh nội khoa.

- Chu kỳ kinh dưới 25 ngày.

- Cảm thấy căng thẳng/áp lực do ít khi chung sống với đối tác.

- Sợ đau, lo lắng, e ngại về hình ảnh cơ thể khi quan hệ.

- Rất ít khi thậm chí là không trao đổi với đối tác về các vấn đề liên quan quan hệ tình dục.

- Không hài lòng với đời sống tình dục

Mặc dù nhiều bệnh nhân nữ gặp vấn đề về sức khỏe tình dục, giới tính nhưng vẫn còn tâm lý e ngại không đến thăm khám trong thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là hiếm muộn nhiều năm.

Do đó, theo nhận định của các chuyên gia, cần có biện pháp sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời cho nhóm đối tượng này.