Lấy hết cành cây cao su phân hủy trong hốc mắt sau lần mổ thứ 8
(Dân trí) - Sau cú vấp ngã, nạn nhân bị cành cao su đâm vào hốc mắt, đã phẫu thuật nhiều lần, dị vật vẫn không được lấy hết. Tại bệnh viện Nhân Dân 115, bằng phương pháp mổ hở, kết hợp nội soi, bác sĩ kéo ra cành cây đang phân hủy gây ổ nhiễm trùng đầy mủ.
Thông tin từ bệnh viện Nhân Dân 115, ngày 25/3 cho hay, tại đây vừa can thiệp một trường hợp bị dị vật trong hốc mắt đang phân hủy, gây hoại tử. Bệnh nhân là B.T.H (48 tuổi, ngụ tại Bình Phước). Khai thác bệnh sử ghi nhận, khoảng một tháng trước, bệnh nhân đi thăm vườn thì bất ngờ trượt chân té ngã khiến cành cây cao su đâm vào hốc mắt trái.
Sau tai nạn, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện địa phương chữa trị. Các bác sĩ đã 3 lần phẫu thuật lấy dị vật, nhưng sau mỗi lần mổ, bệnh nhân chỉ ngưng dùng thuốc vài ngày vết thương hốc mắt lại bắt đầu sưng lớn, làm mủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Không an tâm với việc điều trị tại bệnh viện tỉnh nhà, nạn nhân chuyển lên một bệnh viện tại TPHCM chạy chữa. Các bác sĩ đã mổ thêm bốn lần nữa và sử dụng thuốc điều trị ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, vết thương vấn tiếp tục rỉ mủ và bắt đầu có mùi hôi.
Sau 7 lần phẫu thuật bất thành, người bệnh đã tìm đến bệnh viện Nhân Dân 115. BS Bùi Thanh Dũng, Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Mắt cho biết, ngày 21/3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ấn vào chỗ vết thương thì mủ chảy ra, sưng tấy vùng mắt dưới bên trái. Khi thăm khám chúng tôi thấy khả năng còn dị vật tồn lưu bên trong nên chỉ định cho bệnh nhân chụp CT-Scan.
Qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ phát hiện dị vật nằm sâu trong hốc mắt, sát sàn sọ, cách não một lớp xương mỏng. Dị vật nằm ở vị trí rất khó nên những ca phẫu thuật trước không thể tiếp cận và lấy ra được khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ mù lòa nếu tình trạng tổn thương tiếp diễn.
Đứng trước ca bệnh khó, bệnh viện tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, sau đó quyết định thực hiện cuộc mổ với sự góp mặt của các bác sĩ chuyên khoa Mắt và Tai Mũi Họng. “Dị vật nằm sâu, nếu tiến hành mổ hở với vết mở lớn thì phải vén mắt bệnh nhân lên mới lấy được. Thủ thuật này có thể khiến bệnh nhân bị mù hoặc lé do tổn thương dây thần kinh thị giác.” BS Dũng cho hay.
Để hạn chế những sang chấn từ cuộc mổ cho người bệnh, ê kíp phẫu thuật đã mở một vết nhỏ 1cm theo đường mủ xì ra, đồng thời đưa dụng cụ nội soi của chuyên khoa tai mũi họng tiếp cận dị vật. Sau hàng loạt thao tác tỉ mẫn đến tững chi tiết nhỏ, các bác sĩ đã chụp được dị vật và kéo ra ngoài một đoạn cành cây cao su ước chừng 1x3 cm. Đoạn cây đang trong quá trình phân hủy, mục nát găm từ hốc mắt trái đi dưới nhãn cầu và hướng đến vùng thái dương, đụng vào sương sọ não, gây tổn thương màng sọ.
Cuộc mổ thành công giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ nhiễm trùng gây áp xe mắt và vùng màng não, phá hủy nhãn cầu, nhiễm trùng máu đe dọa tử vong. Sau phẫu thuật, bệnh nhân bớt đau nhức, cảm giác cộm, thốn trong vùng mắt được giải quyết, bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết thương, sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, nạn nhân khi bị cây đâm thường có nguy cơ bị bỏ sót, gây nhiễm trùng hoại tử vết thương. Nếu tình trạng tổn thương nặng ở những vùng nguy hiểm, nạn nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vân Sơn