Lẩu thịt ôi, cá ươn
Từ thịt, cá đã ươn, nước lèo được nấu từ một mớ xương để lâu ngày, các chủ quán đã chế biến thành những nồi lẩu bán cho thực khách.
Chỉ cần một ít “chất lạ”, một ít bột nở, bột màu không rõ nguồn gốc..., những thực phẩm dù đã ươn hay bốc mùi hôi đều được các chủ quán “phù phép” để trở nên tươi, có mùi vị hấp dẫn và chế biến những nồi lẩu phục vụ thực khách.
Thịt thối thành thịt tươi
Quán lẩu L.X nằm khuất trong con hẻm gần cổng chính Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Làng Đại học Thủ Đức. Chủ quán là đôi vợ chồng nói giọng miền Trung. Lấy trong thùng xốp ra một ít thịt đã mềm nhũn bỏ vào rổ, vừa làm, bà chủ quán vừa trấn an chúng tôi: “Nhìn ươn vậy chứ cho vào một ít gia vị là tươi lại ngay!”. Nói rồi, bà đi vào phòng lấy ra một muỗng bột màu trắng, bỏ vào chiếc thau nhỏ, cho thêm vào ít nước, đánh tan. Sau khi cho cả rổ thịt vào thau, đảo đều, bà chủ quán còn phủ lên một lớp bột màu. Chưa đầy 15 phút sau, những miếng thịt mềm nhũn bằng đầu ngón chân cái đã nở ra. Thấy chúng tôi lớ ngớ, bà chủ quán thành thật: “Chất màu trắng trên có tác dụng khử mùi hôi, giúp cho thịt nở và săn, mua tại các chợ. Không hại cho sức khỏe đâu!”. Bắc nồi nước lèo lên bếp, bà chủ tiếp tục lấy ra thêm một gói bột màu đỏ, cho vào thau và đánh đều, sau đó cho giò heo vào. Khoảng 15 phút sau, những miếng giò heo cũng căng phồng. Ngoài thịt heo, các loại thịt bò, cá cũng được chủ quán sử dụng chất bột màu trắng trên để ướp, khử mùi ươn trước khi chế biến.
Bột màu có chức năng giúp thịt nở và tươi (ảnh trái) và một loại hỗn hợp khử mùi hôi được các chủ quán lẩu dùng ướp thịt, cá. Ảnh: Thành Đồng
Những ngày phụ việc tại đây, chúng tôi được biết hằng ngày quán này “nhập” khoảng 20kg thịt heo, 5kg thịt bò và gần 20kg cá các loại để chế biến các món lẩu bán cho thực khách. Nguồn hàng được lấy từ các mối ở Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây với giá khá rẻ vì hầu hết là thực phẩm ươn.
Quán lẩu S.T nằm gần Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, có đủ các loại lẩu thái, lẩu cá, lẩu thập cẩm, lẩu rắn, lươn… Phía sau quán là khu vực để cá, thịt nằm la liệt dưới sàn nhà, ruồi muỗi bu kín, bên cạnh là hai tủ lạnh đựng đầy thịt bò, heo. Hai ngày làm việc tại quán, chúng tôi chỉ được phép vào khu vực chế biến một lần bởi đây là khu vực chỉ có người nhà hoặc người phụ việc lâu năm mới được phép ra vào. Thử mở nắp tủ lạnh lên, mùi hôi bốc lên tởm lợm. Cùng lúc, bà chủ quán lấy từ thùng đá ra một khối thịt gà, ngâm vào nước cho rã đá, những miếng thịt đã được chặt sẵn, có màu tím tái dần hiện ra. Sau đó, bà ta lấy ra một ít bột màu trắng, hòa vào nước rồi bỏ thịt vào ngâm. Chỉ sau 5 phút, những miếng thịt gà mềm nhũn trở nên săn và to. Toàn bộ số thịt trên được đổ ụp vào nồi nước sôi.
“Nổi da gà” với… nước lèo
Cách pha chế nước lèo để nấu lẩu tại các quán nhậu ở Làng Đại học Thủ Đức còn rùng rợn hơn. Nhiều ngày làm nhân viên chạy bàn, chúng tôi được biết nước lèo đều được chủ quán chế biến vào đêm trước, khi có khách, nhân viên chỉ việc lấy đổ vào nồi lẩu, sau đó tùy thuộc vào từng loại lẩu mà cho thêm thực phẩm, gia vị. Tại quán lẩu 7…, nguyên liệu để nấu nước lẩu là một ít xương heo được mua trước đó vài ngày. Một nồi nước lèo màu vàng đục từ hôm qua để lại được bà chủ dùng vợt vớt phần bọt ra rồi bỏ thêm vào vài cục xương. Sau khi nước lẩu sôi, nếm thấy mùi vị chưa như ý, bà chủ cho thêm vào 2 viên màu trắng (giống như viên long não) và một ít bột màu làm cho nước lèo trở nên bắt mắt, tỏa mùi thơm ngon.
Nước lẩu chân gà của quán S.T
Theo Thành Đồng - Tịnh Cầm
Người lao động