“Lang vườn” mà trị ung thư…

(Dân trí) - Nhìn những vết thương bị hoại tử, da lở loét, chảy mủ của những bệnh nhân nằm ở Khoa chống đau, Bệnh viện K, ai cũng phải bùi ngùi. Nhưng cũng thật đáng trách, vì chính họ đã tự đem đến cho mình sự đau đớn khi nghe theo bài thuốc của các thầy lang vườn.

Chữa “lang băm” - hậu quả nặng nề

 

Khoa chống đau, Bệnh viện K là nơi tiếp nhận những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ths Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau cho biết, hầu hết bệnh nhân ung thư trước khi vào đây đều đã đi chạy chữa nhiều nơi. Đáng nói là nhiều người khi phát hiện khối u nhỏ, chưa biết là bệnh gì cứ thế là đắp thuốc, nghe ai bày cái gì đắp cái đó, từ lá cây vòi voi, cây chó đẻ, đu đủ xanh… để cho u tan.

 

Có người còn giấu người thân, tự tìm đến các “lang vườn”, đắp lá nóng triền miên, khiến da bị hoại tử. Thậm chí có người không hiểu nghe ai mách, đắp cả asen, thuỷ ngân, khiến da bị lở loét đến mức hở cả động mạch. Thay vì bệnh thuyên giảm, vết thương ngày càng lở loét, chảy mủ và khi được đưa đến viện thì đã ở giai đoạn muộn, chữa trị chỉ giúp họ giảm đau đớn, kéo dài thời gian sống.

 

Bệnh nhân N.T.D, người Thái Bình năm nay mới 55 tuổi đang được điều trị tại Khoa chống đau vì bị ung thư vú ở giai đoạn cuối. Khi phát hiện trong vú có cục u, nghe mọi người “mách” có một thầy lang điều trị rất giỏi căn bệnh u vú, bà lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội để được thầy bốc thuốc. Bà được thầy lang P bán cho loại thuốc sắc sẵn, chỉ cần giữ lạnh rồi uống với giá 8,000/chai, dùng 2 chai tuần. Dùng được một thời gian ngắn bà thấy mình ăn được ngủ được cứ mừng thầm vì chắc nhẩm hợp thuốc của thầy, bệnh sẽ khỏi. Thế nhưng sau một thời gian, khối u ngày càng lớn, vú chảy cả nước, lúc này con cái đưa bà lên bệnh viện K mới biết bà bị ung thư vú, nhưng không được điều trị sớm đã sang giai đoạn muộn.

 

Còn bệnh nhân P.D.B lại phải nằm ở Khoa chống đau với những vết loét chảy mủ ở hàm trái do bị hạch. Cách đây 2 năm, khi xuất hiện vào nốt hạch ở ngay dưới hàm trái, ông đã tìm đến bà lang P ở tận Hoà Bình để tìm thuốc đắp. Theo lời kể của người nhà, bà lang dặn cứ đắp hết 10 thang thuốc lá của bà, đảm bảo hạch sẽ tan hết. Nhưng chưa đắp hết thang thứ 6, nốt hạch không lặn mà từ đó lại rỉ ra nước đục đục như mủ. Không những thế, vì bà lang P dặn ông phải kiêng khem các thức ăn như  cá, gà, trứng…. trong thời gian đắp thuốc nên nhìn ông càng tiều tuỵ.

 

Ths Đoàn Lực tâm sự, khi nhìn thấy bệnh nhân như vậy, bác sĩ rất thương và không nỡ mắng. Tâm lý người bệnh rất lo lắng, bi quan, lại thiếu hiểu biết nên ai mách gì theo đó. Hơn nữa, nhiều người quan niệm chữa đông y là lành tính, chẳng nghĩ vài thứ lá, củ rễ cây lại khiến vết thương trở nên lở loét, mưng mủ. BS Đoàn Lực đã cảnh báo rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về những sai lầm chết người trong điều trị ung thư bằng những bài thuốc “lang băm” hay kinh nghiệm dân gian.

 

BS Hoàng Văn Thi, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện K cho biết, tình trạng đắp thuốc lá, thuốc nam của các thầy lang vườn không chỉ xảy ra với những bệnh nhân ở nông thôn. Mà ngay ở thành phố, người có hiểu biết khi bị bệnh, với tâm trạng “có bệnh thì vái tứ phương” cũng tìm đến các loại thuốc này. Đã có cán bộ giảng dạy tại trường ĐH Y Hà Nội khi phát hiện bị ung thư vú đã tìm vào tận Biên Hoà lấy hàng tải thuốc lá của thầy lang về đắp nhưng không đem lại kết quả tốt đẹp.

 

Ung thư - Chữa khỏi nếu điều trị sớm

 

BS Hoàng Văn Thi khẳng định, nhiều loại ung thư, như ung thư vú, ung thư cổ tử cung… điều trị rất có kết quả nếu được phát hiện sớm. Thế nhưng, có đến 80% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này đã không còn hiệu quả điều trị.

Do người bệnh không hiểu biết đúng về ung thư, cứ nghĩ đây là căn bệnh nan y, vướng phải là chết, mà cái chết đến càng nhanh khi điều trị bằng tây y, phẫu thuật… nên họ tìm đến các bài thuốc dân gian không chính thống của các thầy lang vườn mà họ cho là không độc hại.

 

Thực tế không phải vậy, ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm có thể chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống đáng kể. Hơn nữa, Tây y đã xác định có trên 200 loại ung thư khác nhau, nhưng các “lang băm” thường chỉ có một “bài thuốc” và cứ thế tuỳ tiện áp dụng cho mọi bệnh nhân ung thư, vì thế việc sử dụng bừa bãi các bài thuốc này đã làm nhiều bệnh nhân ung thư phải chịu những hậu quả đáng tiếc. Trong đó, phổ biến nhất là làm mất cơ hội điều trị khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, đến khi đã muộn thì việc điều trị không đem lại hiệu quả cao, người bệnh bị tử vong rất nhanh.

 

Theo Ths Đoàn Lực, trong Tây y chỉ xác định là ung thư khi xuất hiện tế bào ung thư, còn với các thầy lang vườn, đắp lá chữa khỏi vết sưng do áp xe da, phổi, các tổn thương gây vỡ mủ…họ cũng tự loan tin là hoàn toàn có thể chữa khỏi ung thư bằng thuốc gia truyền. Và các thầy “lang băm” cứ thế tìm cách đánh lừa người bệnh để trục lợi.

 

Theo quan điểm của BS Thi, điều trị đông y chỉ nhằm nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, còn muốn chữa ung thư thì phải phối hợp với các loại thuốc khác. Việc điều trị ung thư ở bệnh viện K luôn được thực hiện theo phác đồ chuẩn của tổ chức y tế thế giới và của Hiệp hội phòng chống ung thư.

 

Ths Đoàn Lực cảnh báo: không chỉ tin vào những bài thuốc không chính thống của các lang băm mà hiện nay trên thị trường, một số loại thuốc tuy chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư hoặc nâng cao thể trạng, nhưng các nhà kinh doanh đã cố tình quảng cáo để người bệnh hiểu lầm thành thuốc điều trị ung thư. Nhiều người bệnh đã đổ rất nhiều tiền của mua thuốc uống nhưng bệnh vẫn không thể chữa khỏi, thậm chí nếu quá lạm dụng nó còn gây hại cho người bệnh.

 

Ths Lực khuyên, khi có dấu hiệu lạ, tốt nhất là người bệnh nên đến ngay các cơ sở chuyên môn để được xác định đúng bệnh thì việc chữa trị mới có hiệu quả. Không nên nghe theo những bài thuốc lang băm, những lời quảng cáo hoa mỹ mà làm mất cơ hội sống của chính mình. Bệnh nhân có thể xin tư vấn trực tiếp khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư bằng cách gọi đến số  04.9344138 (đường dây tư vấn ung thư của Bệnh viện K) để được giải đáp.  

 

Hồng Hải