Lặn gần 1 giờ ở độ sâu 30 mét, ngư dân nguy kịch
(Dân trí) - Ngoi nhanh lên mặt nước sau khi lặn ở độ sâu 30 mét dưới biển trong gần 1 giờ, ngư dân Nguyễn Tần đã bị hội chứng giảm áp, nguy kịch tính mạng được trực thăng chuyển vào đất liền cấp cứu.
Đó là trường hợp nam ngư dân Nguyễn Tần (54 tuổi) vừa được trực thăng EC225 (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) chuyển từ bệnh xá đảo Song Tử Tây vào Bệnh viện Quân Y 175 cấp cứu vào sáng 6/3.
Thông tin ban đầu được biết, ngày 4/3 ông Tần cùng các ngư dân khác đánh cá trên biển thuộc ngư trường của Việt Nam. Ông đã ngậm ống khí lặn xuống độ sâu khoảng 30 mét so với mặt nước biển để đánh bắt hải sản trong vòng gần 1 giờ. Khi trở lại mặt nước, ông nổi lên quá nhanh nên đối mặt với tình trạng đau nhức, mất khả năng vận động chân phải, đau ngực, khó thở nên được chuyển đến bệnh xá đảo Song Tử Tây.
Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng giảm áp, chân phải bị bại yếu, nguy cơ tắc mạch, hoại tử ruột, hoại tử chi, suy thận tiến triển. Tình trạng nguy kịch bệnh nhân phải đối mặt vượt quá khả năng cứu chữa của bệnh xá đảo, ngay lập tức các y bác sĩ đã liên lạc nhờ sự hỗ trợ từ đất liền.
Lúc 19 giờ 43 phút ngày 5/3, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 18 cử trực thăng EC225 do Thiếu tá Đinh Hoàng Long, Đại úy Nguyễn Trung Kiên cùng tổ bay cất cánh về sân bay Tân Sơn Nhất đón tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 do Thượng úy Lê Văn Hải, Trung úy Tạ Văn Bạch cùng ê kíp cấp cứu thực hiện bay cấp cứu ở huyện đảo Trường Sa.
Cũng trong ngày 5/3, một trường hợp khác là bệnh nhân Huỳnh Tấn Vinh (36 tuổi, ngư dân) bị té đập vào thành tàu dẫn tới dập thận phải, dập gan chuyển vào bệnh xã đảo An Bang cấp cứu. Sau khi nhận thông tin trên, tổ cấp cứu hàng không đã đón cả bệnh nhân Vinh, đưa 2 người bệnh về đất liền an toàn. Hiện, các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 175 đang nỗ lực điều trị cho cả 2 bệnh nhân.
Trước trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Tần, ngày 21/12 Tổ cấp cứu Hàng không, Bệnh viện Quân Y 175 cũng đã tiếp nhận một trường hợp tương tự là bệnh nhân Nguyễn Chào (34 tuổi, ngư dân) cũng bị hội chứng giảm áp nặng do lặn ở độ sâu 25 mét, ngoi lên mặt nước đột ngột, bị sốc giảm thể tích, suy đa cơ quan, liệt tứ chi.
Theo phân tích chuyên môn của bác sĩ, hội chứng giảm áp các bệnh nhân gặp phải được xem là một căn bệnh cấp tính, nguy hiểm, thường gặp ở ngư dân hoặc thợ lặn. Bệnh nhân có thể bị nạn khi đối đầu với cá dữ, bị đá đè, thiếu hụt khí thở… khi đang lao động dưới nước. Giảm áp có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng tàn phế suốt đời. Bệnh xuất hiện do nạn nhân lặn xuống quá sâu nhưng lại ngoi lên quá nhanh gây ra biến đổi đột ngột về sự hoà tan khí trong máu. Hậu quả của tình trạng trên hình thành các bóng khí trong máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân.
Bệnh nhân bị giảm áp nhẹ thường có biểu hiện ngứa da và đau khớp ngay sau khi lên bờ; các ban xuất huyết trên da nổi vằn tím đỏ rất điển hình và dễ phát hiện; khớp đau thương là đau ở khớp cổ tay, khuỷu, gối, háng, cổ chân làm suy giảm vận động, gia tăng căng thẳng, lo âu. Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, bị liệt hai chi dưới, liệt tứ chi. Đây là biểu hiện não và tủy sống đang bị tắc mạch máu do bọt khí quá lớn. Bệnh nhân có thể bị chảy máu phổi, nhồi máu cơ tim, sốc và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Vân Sơn