BV Đa khoa Lào Cai:
Lần đầu tiên thành công kỹ thuật thở máy không xâm nhập trên bệnh nhi sơ sinh đẻ non
(Dân trí) - Một bệnh nhi sơ sinh đẻ non 29 tuần tuổi, nặng 1,4kg bị suy hô hấp tiến triển, đe dọa tử vong đã được kịp thời can thiệp thở máy không xâm nhập. Đây là lần đầu tiên BV Đa khoa Lào Cai thực hiện thành công thở máy ở trẻ em.
Trước đó, ngày 24/8 khoa Nhi BV Đa khoa Lào Cai tiếp nhận bệnh nhi Lương Thị Ánh (29 tuần tuổi) được chuyển đến từ BV Bảo Thắng. Mẹ bệnh nhi bị chuyển dạ sinh non nhanh đến mức bác sĩ không kịp tiêm thuốc trưởng thành phổi cho bé.
ThS.BS Vũ Lê Thủy, Trưởng khoa Nhi (BV Đa khoa Lào Cai) cho biết, tại thời điểm nhập viện, trẻ non thiếu tháng tiên lượng nặng bởi viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhi được theo dõi, điều trị tích cực trong lồng kính nhưng đến ngày thứ 3 sau nhập viện, diễn biến bệnh nặng lên.
Đúng thời điểm này, đoàn công tác của BV Bạch Mai đến BV BV Đa khoa Lào Cai để đánh giá kết quả của học viên trong trương trình 1816. Sau khi trực tiếp thăm khám bệnh nhi sơ sinh, theo dõi thêm một ngày, sáng 28/8 bệnh nhi được PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) chỉ định vào thở máy không xâm nhập.
Sau 3 tiếng được chỉ định thở máy không xâm nhập tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện. Đến nay, sau 3 ngày, diễn biến bệnh nhân vẫn đang ổn định. Ảnh: H.Hải
Theo Ths.BS Nguyễn Thành Nam (BV Bạch Mai), trước thời điểm chỉ định thở máy không xâm nhập, bệnh nhi thở oxy nồng độ cao kéo dài mà trẻ vẫn khó thở (SPO2 chỉ đạt 92% - bình thường là 100%), co rút lồng ngực, suy hô hấp nặng, dịch dạ dày bẩn, nếu không được can thiệp thở máy tình trạng suy hô hấp sẽ tăng lên, trẻ sẽ tử vong. Vì thế, các bác sĩ quyết định chỉ định thở máy không xâm nhập cho bệnh nhi.
Tuy nhiên, tại BV Đa khoa Lào Cai chưa từng thực hiện thở máy trên bệnh nhi. Các bệnh nhi, sơ sinh nặng đều phải chuyển lên tuyến trên. Hơn nữa, máy thở tại bệnh viện đang có là loại máy phù hợp với trẻ trên 5kg trở lên. “Tuy không có máy cho trẻ sinh non, nhưng chúng tôi điều chỉnh máy thở linh hoạt sao cho phù hợp nhất với cháu bé. Vì bệnh nhi trong tình trạng nặng, non tháng, suy hô hấp nặng nên việc chuyển viện cũng rất nguy hiểm. Hơn nữa, việc điều chỉnh này được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao nên đảm bảo thích hợp nhất với trẻ”. TS Dũng cho biết.
Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi BV Bạch Mai đã trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi BV Đa khoa Lào Cai vào máy thở không xâm nhập, hướng dẫn theo dõi máy. Cũng trong đợt này, nhiều bài giảng về thở máy, về các phương pháp thông khí, cai thở máy, chăm sóc bệnh nhân thở máy cũng được các bác sĩ BV Bạch Mai truyền đạt cho các học viên.
“Chúng tôi theo dõi, quan sát bé cho thấy, sau 3 tiếng được chỉ định thở máy không xâm nhập bệnh nhi đỡ khó thở hơn, thở đỡ mệt hơn, SPO2 đã ổn định ở mức 98%. Đặc biệt, nồng độ oxy thở vào đã giảm xuống, đầu tiên thở ở mức 100%, sau 8 tiếng giảm dần xuống 60% và sau 1 ngày được thở máy không xâm nhập đã giảm xuống 40%”, BS Vũ Lê Thủy cho biết.
Bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai) hướng dẫn bác sĩ khoa Nhi (BV Đa khoa Lào Cai) theo dõi bệnh nhi thở máy. Ảnh: H.Hải
Theo BS Thủy, tình trạng bệnh nhi còn phải theo dõi dài, nhưng việc can thiệp máy không xâm nhập thành công, lại được sự hướng dẫn trực tiếp, “cầm tay chỉ việc” của các bác sĩ tuyến trên giúp các bác sĩ khoa Nhi BV Đa khoa Lào Cai có thêm sự tự tin, động lực, quyết tâm triển khai kỹ thuật thở máy cho bệnh nhân.
“Bệnh nhân suy hô hấp nặng, nhất là bệnh nhi sơ sinh phải chuyển viện luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi thể trạng yếu, bệnh lý nặng. Việc lần đầu can thiệp thành công kỹ thuật này, đến nay được 3 ngày tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, dù chưa thể khẳng định tiên lượng sống cho bệnh nhân bởi có nhiều yếu tố đi kèm (trẻ sơ sinh đẻ non, nhiễm trùng huyết), nhưng rõ ràng bước đầu đã có hiệu quả với bệnh nhi. Vì thế, chúng tôi tin sau khi được dạy, được cầm tay chỉ việc, chúng tôi sẽ làm được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cử cán bộ y tế đến khoa Nhi BV Bạch Mai tiếp tục học để thực hiện kỹ thuật này, mang lại cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhi”, BS Thủy cho biết.
TS Dũng cho biết, hiện hàng ngày tình trạng về bệnh nhi này vẫn được cập nhật với khoa. Ông cũng đánh giá cao thành quả của chuyển giao kỹ thuật theo chương trình 1816, giúp các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị mới để có thể triển khai tại địa phương, mang lại cơ hội để cứu chữa nhiều bệnh nhân ngay tại địa phương này.
Như với thở máy, sau ca bệnh này, khoa Nhi BV Đa khoa Lào Cai hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là với sự ủng hộ tích cực của Ban giám đốc BV Đa khoa Lào Cai. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng nghiệp để kỹ thuật này được triển khai thành thục tại đây. Khi đó, nhiều bệnh nhi sẽ có cơ hội được cứu chữa hơn ngay chính tại địa phương này”, TS Dũng khẳng định.
Hồng Hải