1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lần đầu tiên ghép tế bào gốc cuống rốn cho người khác huyết thống

(Dân trí) - Bệnh nhân nữ 28 tuổi mắc bệnh ung thư máu ác tính đã may mắn được ghép tế bào gốc khác huyết thống. Đây là mẫu tế bào gốc máu dây rốn được sàng lọc trong 900 mẫu được lưu trữ tại Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

Thoát cửa tử nhờ tế bào gốc máu dây rốn

Hơn 90 ngày kể từ thời điểm thực hiện ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên, phải chờ khi bệnh nhân hoàn toàn bình phục, mảnh ghép tế bào gốc máu dây rốn đã mọc ổn định, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tuyên bố thành công về ca ghép tế bào gốc khác huyết thống đầu tiên này tại buổi họp báo chiều ngày 2/4. Theo Sau 1 tuần nữa, bệnh nhân Hoàng Thuỳ Linh sẽ được xuất viện trở về nhà.

Lần đầu tiên ghép tế bào gốc cuống rốn cho người khác huyết thống
Bệnh nhân Linh khỏe khoắn sau hơn 90 ngày được ghép tế bào gốc máu dây rốn khác huyết thống. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện  Viện Huyết học-Truyền máu cho biết, chẩn đoán bị lơxêmi cấp dòng tủy của bệnh nhân Linh (28 tuổi, Quảng Bình) là từ tháng 9/2014. Bệnh nhân được điều trị 2 đợt hóa chất và đạt lui bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc thể M5a - một nhóm tiên lượng xấu nên phương án tối ưu nhất để cứu sống bệnh nhân là truyền tế bào gốc tạo máu đồng loại. Việc ghép phải tiến hành càng sớm càng tốt, trước khi bệnh có nguy cơ tái lại, nếu không bệnh nhân thậm chí mất đi cơ hội được cứu sống.

Em trai bệnh nhân đã đồng ý cho chị tế bào gốc, tuy nhiên chỉ số lại không phù hợp. Do đó, các bác sĩ thử “vận may”, tìm nguồn tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện. Điều may mắn đã đến, khi các bác sĩ đã tìm được 6 mẫu hòa hợp và đã quyết định chọn mẫu có chỉ số hòa hợp cao nhất (đạt 4/6 chỉ số) dù bất đồng nhóm máu.

“Dù tiên lượng ca ghép rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết định tiến hành để mang lại cơ hội sống cao hơn cho người bệnh”, GS Trí chia sẻ.

Ca ghép được tiến hành vào 30/12/2014. 

“Sau ca ghép, mỗi ngày qua đi là một sự hồi hộp và đến nay, bệnh nhân đã khỏe khắn. Cách đây 1 tháng, bệnh nhân Linh đã không còn phải truyền máu, các chỉ số xét nghiệm đều có thể hiện mảnh ghép từ tế bào gốc máu dây rốn đã mọc ổn định, trong khoảng 1 tuần nữa bệnh nhân sẽ được xuất hiện nhưng cần tái khám theo định kỳ chặt chẽ, nhất là năm đầu tiên”, TS.BS  Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc cho biết.

Được biết, ca ghép này chi phí khoảng 1 tỷ đồng và được quỹ BHYT chi trả 50%.

Cơ hội cho hàng nghìn người bệnh

Theo GS Trí, việc thành công ca ghép tế bào gốc ngoài huyết thống đầu tiên, nguồn tế bào gốc được lấy từ Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng, thực sự mở ra cơ hội cho hàng nghìn người bệnh mắc các bệnh về ung thư máu, các bệnh lý về máu.

Lần đầu tiên ghép tế bào gốc cuống rốn cho người khác huyết thống
Ca ghép tế bào gốc khác huyết thống lần đầu tiên thành công sẽ mở ra cơ hội điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh lý về máu. Ảnh: H.Hải

Sau ca ghép đầu tiên cho bệnh nhân Linh, BV cũng đã ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân thứ 2 và trong tương lai, nhiều bệnh nhân nữa sẽ được ghép từ nguồn tế bào gốc của ngân hàng.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, cho biết, các nước đa số dùng mẫu máu dây rốn ghép cho trẻ em, vì số lượng tế bào gốc thu được chỉ đáp ứng một phần nào đó cho trẻ. Qua kinh nghiệm của Nhật, Viện đã cải tiến kỹ thuật để có thể thu đủ tế bào gốc không chỉ để ghép cho trẻ mà đủ để ghép cho người trưởng thành có mức cân nặng khoảng 70kg.

Từ tháng 5/2014, Viện ký kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu thập máu dây rốn trong cộng đồng. Trung tâm Tế bào gốc của Viện hiện lưu trữ gần 1.000 mẫu tế bào gốc từ máu dây rốn do các sản phụ tự nguyện hiến tặng. Có trên 900 mẫu đã được làm xét nghiệm các yếu tố phù hợp HLA. Đây là ngân hàng tế bào gốc cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.

“Điều đáng mừng là khi Viện tiến hành đọ chéo HLA của 45 bệnh nhân cần tìm nguồn tế bào gốc để ghép thì có đến 44/45 người tìm được mẫu phù hợp, như vậy khả năng thành công đạt tới 97.8%. Đây là cơ hội quá lớn cho cả nghìn bệnh nhân mắc bệnh về máu. Bởi nếu chỉ dựa vào tế bào gốc cùng huyết thống cơ hội sẽ rất ít. Ví dụ nếu là sinh đôi cùng trứng tỷ lệ phù hợp gần như 100% nhưng anh chị em ruột thì chỉ là 20-25%, cơ hội vô cùng thấp”, GS Trí cho biết.

TS Khánh cho rằng xây dựng ngân hàng tế bào gốc cộng đồng là một hướng đi rất quan trọng, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác nhau. Có tới 80% mẫu máu dây rốn có nguồn tế bào gốc rất có chất lượng và có 4/6 chỉ số phù hợp. Như vậy nhiều nhất một người có thể tìm được 75 mẫu phù hợp.

“Chi phí xét nghiệm cho một mẫu máu dây rốn là 20-25 triệu, chưa kể vấn đề lưu trữ, bảo quản rất tốn kém và chi phí cho 1.000 mẫu đang lưu trữ tại viện tính sơ bộ hiện không dưới 3 tỷ đồng. Chúng tôi quyết định dùng kinh phí của viện để đầu tư vì đây là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho chính sự sống của người bệnh. Và đến nay đã có ca thứ 2 được ghép từ nguồn tế bào gốc ở ngân hàng này và sẽ có nhiều người được ghép tiếp theo trong tương lai”, TS Khánh nói.

Từ năm 2010 đến nay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiến hành được 150 ca ghép tế bào gốc; bao gồm cả tự thân và đồng loại từ người cho cùng huyết thống. Cả nước cũng đã ghép tế bào gốc từ máu dây rốn được 12 ca nhưng là ghép cho trẻ. Đây là lần đầu tiên ghép điều trị một bệnh ung thư máu ở người lớn nhưng lấy tế bào gốc từ mẫu dây rốn được lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc cộng đồng.

Hồng Hải