Lần đầu tiên dùng robot phẫu thuật lấy thận ghép
(Dân trí) - Chợ Rẫy trở thành bệnh viện đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á triển khai lấy thận hiến trên người cho sống bằng robot phẫu thuật. Từ thành công bước đầu, bệnh viện kỳ vọng bảo hiểm y tế sớm thanh toán cho kỹ thuật trên để nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Ngày 27/6, BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây vừa liên tiếp thực hiện thành công 2 ca lấy thận ghép bằng phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ.
Trường hợp đầu tiên là cặp cho và nhận giữa 2 anh em (là con dì ruột). Người hiến là Dương Xuân T. (53 tuổi - nam), người nhận là Nguyễn Văn V. (55 tuổi - nam). Sau khi thống nhất phương án giữa người bệnh và bệnh viện, ngày 16/5 cuộc phẫu thuật bằng robot để lấy thận ghép lần đầu tiên được các bác sĩ thực hiện. Sau 4 tiếng, phẫu thuật bằng cánh tay robot, các bác sĩ đã lấy thành công thận hiến để thực hiện cuộc ghép.
Ca bệnh thứ 2 là người cha Nguyễn Văn T (50 tuổi) hiến thận cho con gái Nguyễn Thị Diễm T. (28 tuổi). Bác sĩ đã thành thục hơn trong những thao tác với cánh tay robot nên rút ngắn thời gian lấy thận xuống còn 3 tiếng 45 phút.
Đánh giá về 2 ca đầu tiên, BS Minh Sâm cho hay, khi thành thạo với các thao tác chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian phẫu thuật xuống còn 2 tiếng đến 2,5 tiếng. Đây là thời gian tương đương với một cuộc mổ nội soi lấy thận kinh điển.
Tuy thời gian phẫu thuật chưa đạt được mức lý tưởng nhưng thực tế lấy thận bằng phẫu thuật robot đã giúp người bệnh mất máu ít (không cần truyền máu bổ sung), không bị biến chứng, đường mổ nhỏ nên tính thẩm mỹ cao, thời gian nằm viện chỉ 2 ngày, trong khi mổ hở phải nằm viện khoảng 1 tuần.
Đặc biệt, thận được lấy bằng phẫu thuật robot có độ chính xác rất cao nên chỉ trong khoảng 2 tiếng sau ghép, người nhận thận đã phục hồi nhanh, 1 ngày sau chức năng thận trở về bình thường, khoảng 1 tuần sau người bệnh đã có thể xuất viện.
Mặt khác, mổ bằng robot mang lại những ưu điểm vượt trội cho phẫu thuật viên. “Động tác của phẫu thuật viên linh hoạt, tinh tế trong những vùng trường mổ hẹp, cánh tay xoay được 4 chiều, hình ảnh 3D với độ phân giải cao phóng đại 10 đến 15 lần” - BS Minh Sâm chia sẻ.
Từ những thành công trên, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sẽ nhân rộng kỹ thuật phẫu thuật nhận thận bằng robot, tiến tới ghép thận bằng robot. Tuy nhiên, trên thực tế chi phí thực hiện kỹ thuật này chưa được bảo hiểm y tế thanh toán nên người bệnh đang phải chi trả số tiền khoảng 100 triệu đồng cho 1 ca lấy thận. Bệnh viện đang kỳ vọng kỹ thuật sẽ sớm được duyệt vào danh mục bảo hiểm để nâng cao chất lượng chuyên môn cho những ca hiến và ghép thận.
Năm 1980 Mỹ nghiên cứu chế tạo robot phẫu thực hiện những ca phẫu thuật từ xa. Năm 2000 FDA thông qua giấy phép hoạt động hệ thống robot Davinci. Năm 2009 Horgan báo cáo ca đầu tiên phẫu thuật nội soi ổ bụng có hỗ trợ Robot cắt thận để ghép từ người cho sống. Hiện tại, một số trung tâm ghép trên thế giới tại Mỹ; Anh; Ý; Ấn Độ đã sử dụng robot để lấy và ghép thận.
Robot là kỹ thuật mới, hiện đại được ứng dụng trong y khoa khoảng 20 năm qua, kỹ thuật này phát triển rất nhanh bởi tính hiệu quả. Thế giới hiện đã có hơn 4.000 robot trong đó Mỹ chiếm hơn một nửa. Nhiều kỹ thuật được thực hiện 100% bằng phẫu thuật Robot, thay thế hoàn toàn cho mổ mở và nội soi. Từ năm 2014 đến nay, nhiều robot đã du nhập vào Việt Nam (4 con) và thực hiện được nhiều kỹ thuật khó.
Tại Chợ Rẫy, phẫu thuật robot lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2017. Đến nay đã mổ cho 68 ca, đa số phẫu thuật được thực hiện trên bệnh nhân ung thư, mang lại kết quả khả quan.
Vân Sơn