Lần đầu tiên có khoa Tim mạch trẻ em tại bệnh viện đa khoa

(Dân trí) - GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết tại Việt Nam, cứ 1000 trẻ đẻ sống lại có 6 - 8 trẻ bị tim bẩm sinh. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ giúp trẻ giảm biến chứng, thậm chí khỏi bệnh.

Ngày 10/12/2019, Bệnh viện E công bố quyết định thành lập Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E và bổ nhiệm TS.BS Đỗ Anh Tiến làm trưởng khoa.

Lần đầu tiên có khoa Tim mạch trẻ em tại bệnh viện đa khoa - 1

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E thăm bệnh nhi mắc tim bẩm sinh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh. Điều đáng nói, bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ và trong đó có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân.

Các nguyên nhân còn lại dẫn đến những bất thường về cấu trúc tim và mạch máu lớn ngay khi trẻ được sinh ra thường do gen di truyền hoặc do môi trường (nhiễm virus, nhiễm khuẩn, hóa chất, tia xạ, tia X, di truyền và việc sử dụng các loại thuốc)…

"Trong khi đó, việc phát hiện sớm dị tật bệnh tim bẩm sinh và được điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ giảm những biến chứng, có cơ hội phát triển tốt hơn, gia đình cũng giảm bớt được những lo lắng về sức khỏe của con và gánh nặng chi phí điều trị bệnh”, GS Thành cho biết.

"Việc thành lập khoa Tim mạch trẻ em vừa là nhu cầu thiết thực, vừa thể hiện sự phát triển của nền y tế Việt Nam, giúp điều trị chuyên sâu các bệnh lý tim mạch trẻ em", GS Thành khẳng định.

Lần đầu tiên có khoa Tim mạch trẻ em tại bệnh viện đa khoa - 2

Theo TS.BS Đỗ Anh Tiến, tại Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) mỗi năm phẫu thuật, can thiệp cho khoảng 1200 bệnh nhi bị các bệnh lý tim mạch, trong đó đến gần 500 ca phải phẫu thuật.

Các bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ, nhiều bệnh chữa khỏi hoàn toàn nếu đúng thời điểm, có những bệnh can thiệp ngay sau khi được sinh ra.

"Tại Trung tâm, trẻ bé nhất được can thiệp là trẻ 8 giờ tuổi bị đảo gốc động mạch và vách liên nhĩ nguyên vẹn", TS Tiến cho biết.

Theo TS Tiến, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tim bẩm sinh, như mẹ bị cúm, rubella, uống thuốc... trong thời kỳ mang thai. Việc chẩn đoán trước sinh tốt, phát hiện sớm bệnh lý tim mạch ngay từ thời kỳ bào thai sẽ giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch, điều trị, can thiệp tốt nhất cho bệnh nhi.

Tại Trung tâm đã phẫu thuật và điều trị thành công nhiều bệnh lý bao gồm: bệnh lý thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch, teo van động mạch phổi… 

Tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật tim mạch là khoảng 95%... Ngoài ra, để kịp thời phát hiện và điều trị sớm cho trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E còn thường xuyên tổ chức những buổi khám tầm soát tim mạch miễn phí dành cho trẻ em tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, hỗ trợ kinh phí cho những trường hợp bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân tài trợ tiền mổ tim cho các bệnh nhi nghèo.

Để có thể cứu sống các em, mọi phẫu thuật hoặc can thiệp đều được khuyến cáo thực hiện trong năm đầu đời với tỉ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, việc thực hiện phẫu thuật cho các em bị mắc tim bẩm sinh không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ không có nhiều. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Bệnh viện E quyết định thành lập Khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, với mong muốn nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được điều trị cũng như phát triển chuyên sâu và nâng cao chất lượng điều trị, phẫu thuật các bệnh tim bẩm sinh phức tạp.

Hồng Hải