Lần đầu tiên chênh lệch giới sau sinh đã giảm
(Dân trí) - Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2014 đã giảm xuống mức 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái, so với mức 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2013). Dù mức giảm còn thấp, nhưng đây là lần đầu tiên tỷ số giới tính khi sinh đã giảm sau nhiều năm.
Năm 2014 là năm đầu tiên tỷ số chênh lệch giới tính sau sinh đã giảm. Ảnh minh họa: H.Hải
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình cho biết ngày 16/12, tại hội thảo về dân số diễn ra trong hai ngày 16 - 7 tại Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006, tỷ số giới tính sau sinh mới có dấu hiệu giảm, dù không nhiều. Tuy nhiên, theo ông Tân vì mới là số liệu của 1 năm nên chưa thể kết luận đây là một xu thế hay không. Nếu là một xu thế thì là điều rất đáng mừng. Còn nếu không, cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ để tiếp tục tuyên truyền, thay đổi nhận thức để người dân bớt đi những gánh nặng về tâm lý sinh con trai – con gái, để việc sinh đẻ diễn ra tự nhiên, giúp chỉ số giới tính sau sinh ngày càng cân bằng.
Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là thành công bước đầu của mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được triển khai tại 40 tỉnh, thành phố (chiếm tỷ lệ 75%). Chính vì vậy, nỗ lực trong thời gian qua để giảm mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh đã cho thấy công tác dân số bước đầu đang có những chuyển biến tích cực.
Trước đó, năm 2013 khi tỷ số giới sinh sau sinh ở mức 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái các chuyên gia rất lo lắng, dự báo trong vòng 15-20 năm nữa, khoảng 4 triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ không thể lấy được vợ là người Việt Nam.
Mức sinh đang tăng lên
Theo ông Tân, gần đây mức sinh của nước ta có chiều hướng nhích dần lên. Năm 2011 trung bình một phụ nữ sinh 1,99 con, sau đó tiếp tục đà tăng dần lên đến 2013 là 2,13 con- vượt khỏi mức sinh thay thế 2,1 con. Con số Tổng cục Thống kê công bố mới đây thì đã tăng lên 2,4 con.
“Dù mức sinh có nhích lên nhưng vẫn nằm trong danh giới mức sinh thấp hợp lý, vẫn duy trì được xung quanh mức sinh thay thế, đó là việc đáng mừng. Tuy nhiên cũng cần luôn giám sát, theo dõi kỹ không được buông lỏng để mức sinh tăng lên, gây ra những nguy cơ cho việc thực hiện những mục tiêu dân số”, ông Tân nói.
Ông Tân phân tích, nếu để mức sinh tăng trở lại, tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con trên một phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại 130-140 triệu, mật độ dân số cao khoảng 400 người/1km2. Quy mô dân số quá cao này sẽ gây áp lực đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm...
Ngược lại, nếu để mức sinh tụt xuống quá thấp, tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con trên một phụ nữ thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại là 95-100 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, già hóa dân số diễn ra nhanh, rất bất lợi đối với sự phát triển kinh tế. Bài học về mức sinh thấp ở Hàn Quốc, Đài Loan… cũng được đưa ra, khi mà các nước này đã áp dụng rất nhiều chính sách khuyến sinh nhưng kết quả không đạt như mong muốn, mức sinh vẫn tụt xuống rất thấp. Vì thế, hiện Việt Nam đang phải thực hiện chính sách cân bằng, không quá quyết liệt gay gắt như thời gian trước để mức sinh không rơi xuống thấp như họ nhưng cũng không buông lỏng để mức sinh tăng vọt cũng kéo theo một loạt hệ lụy.
Vì thế, việc duy trì mức sinh thấp hợp lý là rất quan trọng. Theo đó, với tổng tỷ suất sinh khoảng 1,9-2 con trên một phụ nữ thì đến năm 2050 quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 115-120 triệu người. Điều này sẽ phát huy lợi thế của dân số đó là quy mô dân số ổn định ở mức thấp hơn, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các tỉnh.
Ông Tân cho biết thêm, để phù hợp với chiến lược dân số hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 hoặc 2 con” mà chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con”.
Hồng Hải