Làm thế nào để biết bạn có mắc ung thư gan không?
(Dân trí) - Ung thư gan thường không có các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng cho đến khi khối u đã phát triển tới kích thước lớn hoặc di căn.
Ung thư gan là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư tại gan, từ đó, lấn át các tế bào bình thường và dẫn đến sự hoạt động bất thường của gan và toàn bộ cơ thể.
Các loại ung thư gan
Ung thư gan nguyên phát
Nếu các khối u phát triển từ gan thì được gọi là ung thư gan nguyên phát. Có nhiều loại ung thư gan. Loại ung thư gan phổ biến nhất được gọi là ung thư biểu mô tế bào gan, hay còn được gọi là HCC. HCC phát triển từ sự bất thường của các tế bào cấu trúc gan.
Một số loại ung thư gan hiếm gặp là:
- Sarcoma mạch máu
- U máu ác tính
Những bệnh ung thư này khởi phát từ các tế bào lót trong các mạch máu của gan. Chúng thường phát triển nhanh chóng.
Ung thư gan thứ phát
Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đa số trường hợp khi phát hiện khối u ác tính tại gan, thường là do di căn từ một nơi khác trong cơ thể chứ không phải khởi phát ung thư từ các tế bào gan. Vì ung thư di căn từ nơi khác đến gan nên được gọi là ung thư gan thứ phát. Ví dụ, ung thư khởi phát ở phổi và di căn đến gan được gọi là ung thư phổi di căn gan, không phải ung thư gan. Trường hợp này sẽ được điều trị giống như ung thư phổi.
Một số triệu chứng của ung thư gan là sụt giảm cân không rõ lý do, chán ăn, cảm thấy no sau bữa ăn nhỏ, đau và chướng bụng, ngứa và vàng da.
Nếu bạn có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan, bạn có thể được làm một số xét nghiệm chẩn đoán. Dưới đây là một số xét nghiệm bạn có thể cần làm:
Siêu âm: Các sóng siêu âm sẽ tạo thành hình ảnh về khối u trên màn hình máy tính. Xét nghiệm này thường là xét nghiệm đầu tiên được sử dụng để thăm khám gan.
Chụp CT hoặc CAT: Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết về cơ thể, có thể hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của bất kỳ khối u nào trong hoặc gần gan.
MRI: Chụp MRI có thể cho biết các khối u trong gan có phải là ung thư hay không. Chúng cũng có thể được sử dụng để xem xét các mạch máu trong và xung quanh gan, đồng thời giúp tìm ra liệu ung thư gan đã di căn hay chưa.
Xét nghiệm máu: AFP(alpha-fetoprotein) là một loại protein thường có nồng độ rất cao trong máu ở những người bị ung thư gan và có thể thông qua xét nghiệm máu để đánh giá chỉ số này. Các xét nghiệm máu khác cũng có thể giúp xác định tình trạng chức năng gan của bệnh nhân.
Sinh thiết gan: Trong sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy ra một mẩu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ. Mẫu mô này sẽ được kiểm tra để đánh giá sự hiện diện của các tế bào ung thư.
Đôi khi, chụp MRI hoặc CT là đủ để xác định chính xác ung thư gan và không cần làm sinh thiết.