Làm sao cắt cơn nghiện mua sắm, bài bạc…?

Có một số thứ chỉ là cảm giác, cảm xúc nhưng vẫn mang tiếng gây nghiện: nghiện bài bạc, nghiện mua sắm, nghiện game online, nghiện sex... Những thứ này đâu có sử dụng chất gì mà sao lại nghiện?

  

Làm sao cắt cơn nghiện mua sắm, bài bạc…? - 1


Cơ chế gây nghiện trong cơ thể

 

Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực sinh học phân tử và nhất là từ khi phát hiện ra các thụ thể (receptor) của thuốc, tức nơi trong cơ thể thuốc gắn vào thì mới phát huy hiệu quả, người ta đã đưa ra giả thuyết về cơ chế tác động và gây nghiện của ma tuý theo lý thuyết thụ thể.

 

Theo đó, khi đưa một thuốc gây nghiện vào cơ thể, chẳng hạn morphin, sẽ làm giảm triệu chứng đau, đồng thời gây nên các hiệu ứng khác: ức chế hô hấp, kích thích tim, tạo cảm giác khoái lạc...

 

Sở dĩ có những hiệu ứng này là do morphin đã gắn vào các thụ thể của nó trong cơ thể (nhiều nhất ở não, tuỷ sống), được gọi là thụ thể opioid (opioid bắt nguồn từ opium, là thuốc phiện). Khi phát hiện các thụ thể opioid, người ta cũng đã phân vân, không lẽ các thụ thể hiện diện trong cơ thể là thừa, phải sử dụng thuốc bên ngoài gắn vào mới phát huy tác dụng? Thật ra, thiên nhiên ít khi đặt để cái gì thừa.

 

Năm 1975, một số nhà khoa học phát hiện và trích ly từ não heo hai hợp chất được đặt tên chung là enkephalin, có tác dụng giống như morphin gắn vào các thụ thể opioid. Hai hợp chất này đã mở đầu cho việc tìm kiếm các chất trong cơ thể, có tác dụng như morphin, gọi là endorphin (morphin nội sinh). Như vậy, trong cơ thể người cũng có ma tuý nhưng hoàn toàn vô hại, do cơ thể sản xuất ra, không quá thừa và nhờ chúng cuộc sống ta mới thoải mái. Nếu không có các endorphin, ngưỡng đau của con người sẽ rất thấp, đáng lý đau chút ít sẽ thành đau rất nhiều.

 

Sự phát hiện các thụ thể opiod và các endorphin giúp giải thích vì sao người ta nghiện: khi dùng nhiều lần, các chất gây nghiện gắn vào các thụ thể, làm thay đổi một số chất sinh học đóng vai trò điều hoà sinh lý. Cơ thể phải tự điều chỉnh để quen dần sự hiện diện của chất gây nghiện. Các endorphin mà cơ thể sẵn có cũng sẽ tự ức chế tiết ra, ít dần và sau cùng không tiết nữa. Khi người nghiện mất khả năng sản xuất endorphin, sẽ phải sống lệ thuộc vào chất gây nghiện.

 

Hình ảnh, cảm xúc… cũng gây nghiện

 

Trên đây là nói về một chất gây nghiện cụ thể, thế còn chơi game online, mua sắm, hoạt động tình dục…, không sử dụng bất cứ chất gì, tại sao cũng nghiện? Lý thuyết “thưởng, phạt” đã được các nhà khoa học đưa ra để giải thích trường hợp này. Phải tiếp tục thực hiện hành vi có trước đây để hưởng hiệu ứng thưởng (rewarding effects), như tiếp tục bài bạc, chơi game online để hưởng cảm giác chiến thắng, hoặc phải tiếp tục có hành động tình dục để đạt khoái cảm,… Hiệu ứng thưởng xảy ra trong giai đoạn đầu của sự nghiện và gây lệ thuộc tâm lý. Còn hiệu ứng phạt (punishing effects) thường xảy ra với việc dùng chất gây nghiện, điển hình ma tuý. Phải tiếp tục dùng thuốc để tránh hiệu ứng phạt chính là “hội chứng cai thuốc” do ngưng dùng ma tuý.

 

Khoái cảm của những cơn nghiện không do ma tuý như nói trên hiện đã được biết có liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamin. Hiệu ứng thưởng làm thay đổi hoạt động của dopamin, đưa đến cơ thể tự điều chỉnh để đáp ứng. Sự tự điều chỉnh chủ yếu xảy ra ở hệ thần kinh, còn gọi “thích ứng thần kinh”, thể hiện bằng giảm bớt các thụ thể của chất gây nghiện. Chính sự giảm bớt đã giải thích cho hiện tượng “lờn thuốc”, tức thuốc dùng theo liều trước đây, giờ do thụ thể gắn với nó ít, dẫn đến giảm tác dụng nên phải tăng liều.

 

Trường hợp nghiện game online, mua sắm, tình dục… cũng có thể gặp hiện tượng “lờn” tương tự, tức người nghiện cứ muốn thực hiện ngày càng nhiều hơn để có khoái cảm. Nên lưu ý, sự thích ứng thần kinh để tạo cân bằng xảy ra với hiện diện của chất gây nghiện hoặc hình ảnh, cảm giác mà trí não đã có kinh nghiệm. Nếu đột ngột ngưng cung cấp “chất” gây nghiện là hình ảnh, cảm giác đó, cơ thể người nghiện game online, tình dục… sẽ hụt hẫng, thích ứng thần kinh ban đầu không còn phù hợp, cơ thể thấy khó chịu, luôn ám ảnh phải tiếp tục thực hiện hành vi bị nghiện, bất chấp sự tự chủ của bản thân.

 

Tự mình cứu mình!

 

Hiện nay người ta đã phát hiện sự nghiện có liên quan đến gen, tức cấu trúc di truyền. Bởi, có người khi tiếp xúc chất gây nghiện (chất cụ thể và cả “chất” là cảm xúc, hình ảnh…) rất dễ bị nghiện. Trong khi với người khác, sự nghiện đến chậm và gây lệ thuộc khó khăn hơn. Thêm nữa, hoàn cảnh cuộc sống cũng tác động rất mạnh làm người ta bị nghiện.

 

Vì vậy, chỉ có một phương cách triệt để giúp mọi người không bị nghiện là không tiếp xúc với chất gây nghiện, đặc biệt với sự tiếp xúc kéo dài, lặp đi lặp lại. Hãy tự mình cứu mình, bằng cách không tạo điều kiện cho chất gây nghiện đưa vào cơ thể để gắn vào thụ thể của nó nằm ở hệ thần kinh trung ương và sự gắn này tiếp diễn nhiều lần. Ngoài ra, cũng không nên đưa và nuôi dưỡng trong tâm thức các “độc chất” là những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, những lối sống đua đòi, cờ bạc…

 

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Sài Gòn tiếp thị